Chuẩn bị một giờ cầu nguyện

Làm sao chúng ta vẫn tiếp tục có thể cầu nguyện cùng nhau? Mọi người thường hỏi câu hỏi này sau khi đến Taizé, hoặc những người tổ chức các buổi gặp mặt bên ngoài Taizé.

Do đó, sau đây là một số yếu tố quan trọng để chuẩn bị một buổi cầu nguyện có tính suy niệm và "không có bắt đầu cũng không có kết thúc".

Để bắt đầu buổi cầu nguyện, hãy chọn một hoặc hai bài ca ngợi.

Thánh vịnh

Chúa Giêsu đã cầu nguyện với những lời cầu nguyện cổ xưa của dân Ngài. Các Kitô hữu luôn tìm thấy suối nguồn sự sống trong các lời nguyện đó. Thánh vịnh đặt chúng ta vào sự hiệp thông lớn lao của tất cả các tín hữu. Niềm vui và nỗi buồn của chúng ta, niềm tín thác vào Thiên Chúa, nỗi khát khao và thậm chí cả nỗi đau khổ của chúng ta đều được diễn tả trong thánh vịnh.

Một hoặc hai người có thể thay thế đọc hoặc hát những câu của thánh vịnh. Sau mỗi câu, tất cả đáp Alleluia hay một bài ca tụng khác. Nếu hát, câu thánh vịnh nên ngắn, thường là hai dòng. Trong một số trường hợp, cộng đoàn có thể “hum" trong lúc người lĩnh xướng hát câu phiên khúc. Nếu các câu được đọc và không được hát, chúng có thể dài hơn. Không cần phải đọc toàn bộ thánh vịnh. Đừng ngần ngại khi chọn chỉ một vài câu và hãy luôn chọn những câu dễ hiểu nhất.

Bài đọc

Đọc Kinh Thánh là một cách để đi đến “suối nguồn hoan lạc bất tận do chính Thiên Chúa ban tặng cho loài người" (Origen, thế kỷ thứ 3). Kinh Thánh là một "bức thư từ Thiên Chúa cho loài thọ tạo" cho phép họ "khám phá trái tim của Thiên Chúa trong lời của " (Gregory Đại đế, thế kỷ thứ 6).

Các cộng đoàn cầu nguyện thường xuyên đọc sách của Kinh Thánh theo cách có hệ thống. Nhưng đối với các buổi cầu nguyện hàng tuần hoặc hàng tháng, nên chọn các bài đọc dễ hiểu hơn, cũng như những bài đọc phù hợp với chủ đề cầu nguyện hoặc theo mùa. Mỗi lần đọc có thể bắt đầu bằng câu “Bài trích sách...” hoặc “Tin Mừng theo Thánh....” Nếu có hai bài đọc, bài đầu tiên có thể được chọn từ Cựu Ước, các Thư, sách Công vụ Tông đồ hoặc sách Khải Huyền; bài thứ hai phải luôn trích từ một trong các Tin Mừng. Trong trường hợp đó, có thể hát một bài để suy niệm giữa các bài đọc.

Trước hoặc sau khi đọc, nên chọn một bài hát mừng ánh sáng của Chúa Kitô. Trong lúc đó, một em nhỏ hoặc một bạn trẻ có thể cầm nến và tiến lên phía trước để thắp sáng một ngọn đèn dầu được đặt ở trên. Biểu tượng này nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả khi màn đêm rất tối tăm, dù trong cuộc sống của chính chúng ta hay nhân loại, tình yêu của Chúa Giêsu Kitô là ngọn lửa không bao giờ tắt.

Bài hát

Thinh lặng

Khi chúng ta cố gắng bày tỏ sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng ngôn từ, tâm trí chúng ta nhanh chóng xuất hiện. Nhưng, trong chiều sâu của chúng ta, qua Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đang cầu nguyện nhiều hơn chúng ta tưởng tượng.

Mặc dù Thiên Chúa không bao giờ ngừng cố gắng giao tiếp với chúng ta, điều này không bao giờ là sự áp đặt. Tiếng nói của Thiên Chúa thường chỉ nghe thấy trong tiếng thì thầm, trong một hơi thở thinh lặng. Duy trì thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, đã là lời cầu nguyện rồi.

Con đường để chiêm niệm không phải việc đạt được sự thinh lặng nội tâm bằng mọi giá bằng cách làm theo một số kỹ thuật để tạo ra một loại trống rỗng bên trong. Mà thay vào đó, với một đức tin trẻ thơ, chúng ta để cho Chúa Kitô cầu nguyện thầm lặng trong chúng ta, thì sẽ đến một ngày chúng ta khám phá ra được rằng chiều sâu của bản thể chúng ta là nơi ngự trị của Đấng Hiện Hữu.

Trong thời gian cầu nguyện với những người khác, tốt nhất là chỉ nên có một khoảng thời gian thinh lặng dài (5-10 phút) thay vì nhiều khoảng ngắn. Nếu những người tham dự không quen thinh lặng, thì nên có lời giải thích trước đó. Hoặc, sau bài hát ngay trước thinh lặng, có thể nói, "Giờ cầu nguyện sẽ được tiếp tục với ít phút thinh lặng".

Lời Nguyện hoặc Lời Chúc Tụng

Lời nguyện bao gồm các lời cầu xin ngắn gọn, hoặc những lời tung hô, được duy trì bằng những tiếng "hum", theo sau đó là câu đáp được tất cả mọi người hát, để có thể tạo thành "một cột lửa" ngay tâm điểm của buổi cầu nguyện. Cầu nguyện cho người khác sẽ mở rộng lời cầu nguyện của chúng ta đến các chiều kích của toàn bộ gia đình nhân loại; chúng ta giao phó cho Thiên Chúa những niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị lãng quên. Lời nguyện chúc tụng cho phép chúng ta chúc tụng tất cả những gì Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một hoặc hai người có thể thay phiên nhau đọc lời nguyện hoặc lời chúc tụng, sau đó cộng đoàn đáp Kyrie eleison, Gospodi pomiluj (“Lạy Chúa, xin thương xót”), hoặc Chúc tụng Ngài, lạy Chúa. Sau các lời nguyện, mọi người có thể dâng lời nguyện tự phát theo cách riêng của họ, nói lên những lời cầu nguyện từ trái tim của họ. Các lời nguyện này nên ngắn gọn và hướng đến Thiên Chúa, chứ không phải là các tư tưởng hay gợi ý cho cộng đoàn. Sau mỗi lời nguyện tự phát, cộng đoàn cũng đáp Kyrie eleison, Gospodi pomiluj

Kinh Lạy Cha

Lời nguyện kết thúc

Các Bài hát

Lúc kết thúc, có thể hát thêm một lúc nữa để duy trì, để giúp cho một số người muốn tiếp tục cầu nguyện.

Những người khác có thể được mời để chia sẻ nhóm nhỏ gần đó, ví dụ như suy tư cùng nhau dựa trên một văn bản Kinh Thánh, có thể sử dụng “Giờ thánh Gioan” (Johannine hour). Mỗi tháng trong Thư từ Taizé, có đề xuất những “giờ thánh Gioan”, đó là một khoảng thời gian thinh lặng và chia sẻ dựa trên một văn bản từ Kinh Thánh.

"Sách nhạc, v.v...
Thông tin về sách bài hát và các dữ liệu khác có thể được tìm thấy trong phần "Sách, CDs, DVDs".

Printed from: https://www.taize.fr/vi_article27930.html - 19 April 2024
Copyright © 2024 - Ateliers et Presses de Taizé, Taizé Community, 71250 France