Cuộc Gặp mặt Châu Âu 2022/23 tại Rostock
Suy niệm hằng ngày của Thầy AloisTrang này đăng các bài suy niệm hằng ngày của Thầy Alois, từ ngày 28 đến 31 tháng 12.
Thứ Tư, ngày 28.12.2022Tôi rất vui được gặp các bạn ở đây tại Rostock này! Cảm ơn tất cả những người đã chuẩn bị cuộc gặp mặt này trong nhiều tháng qua, đặc biệt là các nhà lãnh đạo của các giáo hội địa phương và chính quyền dân sự. Và cảm ơn tất cả những người đã mở cửa nhà mình chào đón chúng tôi. Trong số những người chào đón chúng tôi, có một số người không cùng niềm tin Kitô giáo. Tôi muốn nói với họ rằng lòng quảng đại của họ trong việc bày tỏ lòng hiếu khách đã đánh động chúng tôi một cách đặc biệt. Cộng đoàn chúng tôi có mối dây liên hệ với vùng đông bắc nước Đức này từ những năm 1960. Các thầy đến đây khi lục địa châu Âu bị chia cắt bởi “bức màn sắt”. Các giáo hội ở đây đóng một vai trò quyết định trong việc chấm dứt sự chia rẽ này ở châu Âu và ngay khi có thể, một số lượng lớn những người trẻ từ vùng Mecklenburg-Vorpommern đã đến Taizé. Ở đây, các Kitô hữu là thiểu số trong một xã hội nói chung. Và điều này không khiến các tín hữu khép mình trong thế giới nhỏ bé của riêng mình, nhưng trái lại khuyến khích họ bước vào một cuộc đối thoại với mọi người. Cùng nhau, chúng ta có thể đối mặt với những thách thức chung và hướng tới một xã hội nơi niềm tin có thể triển nở. Ngay trước khi đến Rostock, tôi đã đến Ukraine trong vòng năm ngày, cho đến lễ Giáng sinh. Một số bạn trẻ từ Ukraine đã có thể đến Rostock đây để tham dự cuộc Gặp mặt châu Âu và tôi nồng nhiệt chào đón họ. Ở Kyiv và Lviv, chúng tôi đã có thể chia sẻ cuộc sống thường nhật với những người dũng cảm này trong vài ngày. Vào buổi tối, toàn bộ khu phố chìm trong bóng tối do mất điện. Điều này không ngăn cản những người trẻ quy tụ để cầu nguyện, chỉ dưới ánh sáng của một vài ngọn nến. Và thông điệp rất rõ ràng: ánh sáng này trong đêm tối, thậm chí chỉ chập chờn như ánh sáng của một vài ngọn nến, còn mạnh mẽ hơn cả tội ác và bạo lực của chiến tranh. Và đây chẳng phải cũng là tâm điểm của thông điệp Giáng Sinh hay sao? Chúa Kitô đến trong thế gian, Người là ánh sáng của thế giới, bị đe dọa, thường bị che giấu, nhưng sẽ không bao giờ tắt. [1] Được hướng dẫn bởi ánh sáng của một vì sao, các Nhà Thông thái đã tìm thấy đứa trẻ sơ sinh trong một mái nhà khiêm tốn. Đó là câu chuyện mà chúng ta sẽ nghe vào buổi cầu nguyện trưa ngày mai, và chúng ta sẽ thấy được minh họa đó trên bức tranh lớn trước mặt mà chúng ta đang cầu nguyện trong những ngày này: nó tượng trưng cho bệ thờ của một nhà thờ ở Rostock và được vẽ ở Taizé bởi các tình nguyện viên trong vài tuần qua. Ở Ukraine, có những bài thánh ca Giáng sinh truyền thống tuyệt vời. Một trong số đó viết rằng: “Đêm thánh thiên, đêm dịu ngọt! Xin lau khô nước mắt con, vì Con Chúa đến cứu thế gian bằng tình yêu, ánh sáng chiếu soi các tầng trời!” [2] Thật vậy, Chúa Kitô đến thế gian, ngay cả trong đêm đen và trong tối tăm; trong nơi sâu thẳm bóng tối, ánh sáng của Ngài đã bừng sáng. Chúng ta hãy cảm ơn những người trẻ Ukraine vì sự can đảm của họ trong nghịch cảnh và cả sự kiên trì trong đức tin của họ. Chúng ta đã nghe điều này tối nay khi đọc bài thánh vịnh: “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ.” Có rất nhiều người tan vỡ trên thế giới ngày nay. Tôi nhớ những người di cư mà tôi gặp chỉ một năm trước vào Giáng sinh năm ngoái, trên đảo Lampedusa, hầu hết họ ở trên những chiếc thuyền tạm bợ, đôi khi được cứu khi gặp nạn. Chúng ta cũng đừng quên người dân Haiti đã phải chịu quá nhiều đau khổ. Và chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân ở Trung Đông. Gần đây, tôi có nói chuyện với một nữ tu ở Latakia, Syria. Soeur Rima cùng các nữ tu của mình vẫn tiếp tục chăm sóc trẻ em trong khu phố của họ, và đây là một đóng góp thiết yếu cho tương lai của đất nước này. Những người đàn ông và phụ nữ, những người trẻ tuổi và đôi khi cả những đứa trẻ này, đang đưa ra một lựa chọn: ngay cả trong nghịch cảnh, họ vẫn chọn hy vọng. Chúng ta hãy nhớ tới họ tối nay trong lời cầu nguyện của chúng ta, để biết ơn về chứng tá can đảm mà họ đã truyền lại. Thứ Năm, ngày 29.12.2022Tối qua, tôi đã nói với các bạn về thông điệp can đảm và hy vọng mà tôi nhận được khi trải qua những ngày Giáng sinh ở Ukraine cùng với một người anh em khác. Những đau khổ liên quan đến cuộc chiến tàn khốc đã giáng xuống đất nước đó là rất hiện hữu, nhưng đồng thời cuộc sống vẫn tiếp diễn và mọi người tự thu xếp để đối phó tốt nhất có thể. Tại thủ đô Kyiv, toàn bộ khu dân cư đôi khi không có điện trong hai hoặc ba ngày liên tiếp và thường xuyên hơn là không có máy sưởi hoặc nước nóng. Vào một buổi tối nọ, sau khi chúng tôi cầu nguyện với những người trẻ, có một thiếu nữ đã hỏi: “Chuyện này sẽ kéo dài bao lâu nữa?” Tuy nhiên, không hề nản lòng, rất nhiều người đang giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ở Lviv, chúng tôi đã có hai bữa ăn Giáng sinh với các tình nguyện viên trẻ, một số người đã đến Rostock đây để tham gia cuộc Gặp mặt châu Âu. Với năng lượng đáng kinh ngạc, họ đang xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy và tham gia vào nhiều dự án liên đới sáng tạo khác nhau. Lễ Giáng sinh đã làm chúng tôi đã rất ngạc nhiên. Mọi người đều tham gia rất nhiệt tình. Và lúc có hai trẻ sơ sinh được giới thiệu cho mọi người thì ai nấy đều vui mừng. Một trong những trẻ mới sinh đến từ gia đình di cư từ miền Đông của đất nước, và được chào đón tại giáo xứ này. Có một ấn tượng vẫn còn sâu đậm trong tôi, và đây là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn: trước sự phi lý của cái ác, nhiều người Ukraine vẫn tiếp tục hy vọng. Đó là một sự khích lệ cho tất cả chúng ta. Những nhân chứng khác thúc đẩy chúng ta tiến bước trong niềm hy vọng. Ở Đức và xa hơn nữa, ký ức về mục sư Dietrich Bonhoeffer vẫn còn sống động. Ông là một phần của Giáo hội Tuyên xưng phản đối chế độ Đức quốc xã. Ông tham gia cuộc kháng chiến chống lại Hitler và bị xử tử một tháng trước khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945. Ông nhận thức sâu sắc về cái ác tuyệt đối đang hoạt động trong thời đại của mình, nhưng một động lực bên trong đã cho phép ông ấy lựa chọn hy vọng. Ông đã viết một trong những lời cầu nguyện cuối cùng của mình từ trong tù dưới dạng một bài thơ: "Diệu kỳ thay Thần khí quan phòng thiện hảo, Lựa chọn hy vọng không phải là một lựa chọn dễ dàng, cũng không phải là kết quả của một niềm tin ngây thơ. Lựa chọn này đòi hỏi chúng ta phải bắt nguồn từ lời cầu nguyện. Và lời cầu nguyện mời gọi chúng ta ngày càng ý thức hơn về nỗi đau khổ của người khác; nó mời gọi chúng ta có trách nhiệm với chính mình và với người khác. Thông điệp cho năm 2023, mà các bạn có thể đã đọc trong tập sách của cuộc gặp mặt này, có tựa đề " Đời sống Nội tâm và Tình liên đới". Phần giới thiệu của thông điệp đề cập hai thái độ này đã được Bonhoeffer đề xuất theo cách riêng của ông—và đối với ông, chúng dường như không thể tách rời: "Cầu nguyện và hành động chính trực giữa nhân loại." Ngày nay, những điều đó là không thể tách rời. Nếu không cầu nguyện, chúng ta có nguy cơ bị nản lòng, nhưng nếu không hành động cho công lý, lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ trở thành một lối để thoát khỏi thế giới. Vì vậy, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể biến hai thực tại này, đời sống nội tâm và tình liên đới, vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Nói cách khác, chúng ta có thể nói: chúng ta hãy đón nhận sự an ủi của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và ngày càng yêu thương những người được trao phó cho chúng ta. Ở Đức cũng như ở các quốc gia khác, những lời cầu nguyện với các bài hát của Taizé đã hỗ trợ nhiều người trẻ—và những người không quá trẻ—trong đức tin của họ. Họ cũng tạo ra sự gắn kết của tình bạn. Nhưng chúng ta không chỉ hát những bài hát của Taizé, chúng ta hãy cầu nguyện bằng những bài thánh ca của các giáo hội địa phương. Năm nay tại Rostock, bản thánh ca "Nun danket all und bringet Ehr" (Nào hãy tạ ơn và mang lấy vinh dự) liên kết chúng ta với một truyền thống cầu nguyện lâu đời. Khi những người cầu nguyện cùng nhau mở lòng trước những câu hỏi cấp thiết của thời gian này, thì từ bên trong họ sẵn sàng tiếp cận với những người phụ nữ và đàn ông từ nhiều nguồn gốc khác nhau: những người tin, những người tìm kiếm Chúa, và cả những người không tin. Tất cả họ cùng nhau cố gắng sống trong tình liên đới cụ thể với những người ở bên lề xã hội. Bằng cách này, họ là một phần của nhiều Kitô hữu đang tìm kiếm một diện mạo mới của Giáo hội: một dân tộc quy tụ quanh Chúa Kitô trong sự đa dạng lớn lao và liên đới với những người thiệt thòi nhất. Tôi sẽ trở lại vấn đề này vào tối mai khi tôi đặt câu hỏi: phải chăng một khuôn mặt mới của Giáo hội đã hiện rõ trong cuộc gặp gỡ của chúng ta ở đây tại Rostock? Thứ Sáu, ngày 30.12.2022Chúng tôi rất biết ơn về sự chào đón nồng nhiệt mà chúng tôi nhận được trong những ngày qua ở Rostock. Cảm ơn tất cả những người đã chọn mở rộng trái tim và cánh cửa để chào đón chúng tôi! Vào thời điểm mà xã hội chúng ta bị đánh dấu bởi sợ hãi, đặc biệt là sợ hãi người lạ, thì lòng hiếu khách quảng đại này là một dấu hiệu của hy vọng. Chúng tôi cũng xin một lần nữa cảm ơn chính quyền dân sự rất nhiều. Họ đã ủng hộ cho cuộc Gặp mặt Châu Âu từ đầu này và luôn duy trì sự hợp tác tốt đẹp với các Giáo hội trong việc chuẩn bị. Ở vùng đất này, khi các Kitô hữu chỉ là thiểu số, thì có lẽ hơn bất kỳ nơi nào khác, họ ý thức rằng mình được kêu gọi đối thoại và liên đới cụ thể với những niềm vui và thử thách của tất cả mọi người. Đâu sẽ là vị trí và đóng góp của các Kitô hữu trong xã hội của chúng ta trong tương lai? Những lời của tiên tri Mikha mà chúng ta nghe buổi tối hôm nay đã chỉ ra con đường: “Điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.” Theo thông tục trong các nhà thờ nơi đây, thì những chiếc thuyền nhỏ treo trong hội trường này đã từng trở thành những nơi cầu nguyện tạm thời. Đó giống như một hình ảnh về tương lai của Giáo hội. Mẹ Giáo hội không còn là một con tàu lớn kiêu hãnh, nhưng giống như con thuyền nhỏ mà Chúa Giêsu ngồi với các môn đệ của Người. Chính tại đó, giữa cơn bão tố, Ngài đã ban cho họ món quà tín thác vào Thiên Chúa. Không chỉ trong quá khứ, ngày nay chúng ta thấy rõ những bất cập của các giáo hội trong các hình thức thể chế của mình. Và chúng ta thậm chí phải nhận ra và đối mặt với điều ác đôi khi đã được thực hiện trong các cộng đồng Kitô hữu của chúng ta. Ở Taizé cũng vậy, cùng với những người anh em, chúng tôi tiếp tục công việc chứng thật được bắt đầu từ năm 2019 và chúng tôi biết rằng mọi người đã bị lạm dụng trong sự chính trực của họ. Tôi muốn nhắc lại cam kết của chúng tôi là làm mọi thứ có thể để Taizé trở thành một nơi an toàn cho mọi người, cũng như cho mỗi cuộc gặp mặt quốc tế mà chúng tôi tổ chức. Và tôi muốn mời các bạn giúp chúng tôi trong việc này. Với tư cách là các giáo hội, ngày nay, chúng ta được kêu mời thực hiện một cuộc hoán cải sâu sắc. Điều này đặc biệt ngụ ý rằng tất cả những ai yêu mến Chúa Kitô thì không tách riêng lẽ mà đến cùng với nhau. Giáo hội chắc chắn cần những định chế để đảm bảo tính liên tục trong lịch sử, nhưng chính “dân Chúa” cũng vượt ra khỏi những khuôn khổ định chế. Chúng ta hãy để lời kêu mời này hướng dẫn mình để cùng nhau trở thành “dân Chúa”. Bằng sự sáng tạo tuyệt vời, hãy bắt đầu tìm kiếm cách thức để hoạt động trong nhiều điểm chung cùng với các tín hữu thuộc mọi tín ngưỡng nhiều hơn nữa, và cả với những người không thuộc về Giáo hội nào. Để trở thành “dân Chúa”, chúng ta phải lắng nghe những người bên lề xã hội, lắng nghe những nạn nhân của lạm dụng và mọi hình thức bạo lực. Chúa Giêsu có một tình yêu ưu tiên dành cho những người bị cuộc sống làm tổn thương. Về cơ bản, đó là vấn đề tạo ra một diện mạo mới của Giáo hội. Nó trở thành một cộng đoàn cư ngụ trong ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần, một cộng đoàn bước theo Chúa Kitô, Đấng đã chiến thắng sự dữ, đến gần với những người đau khổ, đưa sự hiện diện ẩn giấu của Thiên Chúa được hiện hữu trong thế giới. Giáo hội với bộ mặt mới này sẽ không còn dấu hiệu của uy quyền và quyền lực; nó sẽ sống với những ý niệm đơn sơ. Trong chín tháng nữa, chúng ta sẽ có cơ hội biến tiến trình hiệp nhất này thành hiện thực—một cuộc "quy tụ dân Chúa" mang tên "Together". Tất cả cùng với nhau. Tôi chưa thể nói với các bạn nhiều hơn về điều này, thông báo sẽ được đưa ra vào cuối tháng Một trong tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Nhưng tôi mời bạn đã hãy nhớ ngày 30.9.2023. Và sau đó, một năm kể từ bây giờ, sẽ có cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 46. Được diễn ra ở một đất nước có mối quan hệ hữu nghị với Taizé đã tồn tại trong một thời gian dài. Chưa hết, thủ đô ở Châu Âu này chưa bao giờ tổ chức một cuộc gặp như vậy. Từ ngày 28.12.2023 đến ngày 1.1.2024, chúng ta sẽ được chào đón tại một thành phố mà những người trẻ và Đức Tổng Giám mục ở đó đang hiện diện cùng chúng ta tối nay—thủ đô của Slovenia, thành phố Ljubljana. Thứ Bảy, ngày 31.12.2022Tối nay đã là giờ cầu nguyện cuối cùng tại trung tâm HanseMesse ở Rostock mang chúng ta đến với nhau. Ngày mai sẽ là lúc nói lời tạm biệt với những người đã chào đón chúng ta trong những ngày này. Tôi muốn nói với những người trẻ Ukraine sắp trở về đất nước của họ: chúng tôi không quên các bạn trong lời cầu nguyện và trong tình bạn của chúng ta. Cuộc Gặp mặt Châu Âu sắp kết thúc, nhưng theo một nghĩa nào đó, bây giờ mọi sự mới bắt đầu: Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta và chờ đợi chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục? Chắc chắn đây không phải là vấn đề nhìn lại với hoài niệm, nhưng đúng hơn là một lời mời gọi hãy hướng về người khác, mở rộng tình bạn của chúng ta. Chúng ta hãy chắc chắn để cho niềm vui đến từ Thiên Chúa trỗi dậy trong chúng ta, vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi đặt niềm tin của Người vào chúng ta hết lần này đến lần khác. Đón nhận niềm vui này không có nghĩa là nhắm mắt trước những thử thách của hiện tại; ngược lại, nó cho phép chúng ta đối mặt với chúng tốt hơn. – Sáng nay, trong các nhóm chia sẻ nhỏ, các bạn đã suy tư về nhiều điều, trong đó có câu hỏi này: "Chúng ta chia sẻ không gian: hành tinh, quốc gia, nhà thờ, v.v... Chúng ta có thể phát minh ra những hình thức cộng tác và đồng trách nhiệm mới nào trong những không gian chung này? Đây là một câu hỏi hay mà chúng ta có thể mang về nhà. Giữ niềm hy vọng sống động khi đối mặt với sự dữ không làm cho chúng ta trở nên thụ động, nhưng đòi buộc chúng ta phải kiên trì. Điều này đặc biệt đúng với niềm hy vọng về hòa bình. Nó đôi khi có vẻ là một lý tưởng không thể đạt được, nhưng nó đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người chúng ta. Cầu nguyện cho hòa bình có thể khó khăn khi phải chống lại sự xâm lược. Lời cầu nguyện trong Tin Mừng của Luca ngay trước câu chuyện Giáng sinh giúp tìm ra những từ thích hợp. Ông Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, đang chờ đợi “sự cứu rỗi sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét”. Ước muốn của anh ấy là phụng sự Thiên Chúa “không sợ hãi”. Và ông chắc chắn rằng Thiên Chúa “soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” và rằng Ngài “dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” Lời cầu nguyện như vậy khiến chúng ta có trách nhiệm với nhau. Nó làm cho hòa bình bắt đầu trong chính chúng ta và xung quanh chúng ta. Việc cầu nguyện cho chúng ta khả năng giữ cho cánh cửa đối thoại luôn rộng mở, ngay cả với những người có suy nghĩ khác với chúng ta. Trong chúng ta có một niềm khao khát sâu xa về sự hiệp thông và hiệp nhất đến từ Thiên Chúa, và chúng ta có thể bày tỏ điều đó qua cầu nguyện. Ngay cả khi nói rất ít, việc giữ thinh lặng trong mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa là điều cần thiết để chúng ta khiêm nhường tham gia vào công việc mang lại hòa bình cho trái đất của Ngài. Trong lúc cầu nguyện, chính Thiên Chúa cũng hướng về chúng ta và mời gọi chúng ta bước đi với Người. Phải chăng Thiên Chúa không đến gặp gỡ chúng ta nơi thâm sâu nhất của con người chúng ta? Ở đó, hơn bất cứ nơi nào khác, Thiên Chúa mong muốn xoa dịu và chữa lành trái tim của những ai trông cậy vào Người với niềm tín thác tuyệt đối. Cầu nguyện cho hòa bình không có nghĩa là khuất phục trước chiến thắng của kẻ xâm lược, mà là tìm kiếm một nền hòa bình dựa trên công lý và sự thật. – Một lời kêu gọi khẩn thiết khác mà các bạn, những người trẻ tuổi, khiến chúng tôi bận tâm hơn bao giờ hết, đó là trách nhiệm của chúng ta trước những hiểm họa sinh thái. Ba năm trước, tại cuộc Gặp mặt Châu Âu của chúng ta ở Wrocław (Ba Lan), tôi đã thay mặt thế hệ của mình cầu xin sự tha thứ, một thế hệ chắc chắn đã bỏ bê việc chăm sóc Tạo hóa này. Tối nay, tôi muốn nói với các bạn một lần nữa, trong khu vực và trong quốc gia nơi có nhiều người trẻ cam kết vì khí hậu: cam kết của các bạn có những tác động mà bạn không phải lúc nào cũng nhìn thấy, nhưng lại rất thực tế. Ở Taizé cũng vậy, chúng tôi cần sự kiên trì của các bạn để tiến bước trên con đường hoán cải sinh thái này. Lựa chọn đơn giản hóa và tỉnh táo có thể giúp cuộc sống thăng hoa! Chăm sóc Tạo hóa cũng có nghĩa là yêu vẻ đẹp của thiên nhiên và sáng tạo bằng những ý niệm đơn giản. Sự hỗ trợ lẫn nhau và tình liên đới do đó được mở rộng cho cuộc sống trong tất cả sự đa dạng của nó. – Cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn rằng sự hiện diện của các bạn ở Rostock những ngày qua tự nó là một dấu hiệu của niềm hy vọng đã đánh động biết bao trái tim. Trong những ngày này, các bạn đã thể hiện khuôn mặt của một người trẻ đồng thời vui vẻ và nghiêm túc, vui vẻ đến với nhau, cởi mở và chú ý đến những thách thức của thời điểm này. Tín thác vào Thiên Chúa có thể cho chúng ta niềm hy vọng mạnh mẽ hơn nỗi sợ hãi về tương lai. Nó xuất phát từ niềm xác tín cần phải bắt nguồn từ trái tim của chúng ta, rằng Thiên Chúa đang làm việc và đến lượt Ngài kêu gọi chúng ta làm việc, đảm nhận trách nhiệm của mình đối với chính mình... và đối với thế hệ tiếp theo. Trong đời sống nội tâm, dù là đời sống khó nghèo, nhờ tình liên đới với tha nhân và với mọi tạo vật, Chúa Kitô phục sinh đến gặp gỡ chúng ta. Ngài thay đổi cách nhìn của chúng ta, dẫn dắt chúng ta đến những vùng biển chưa được khám phá và mời gọi chúng ta đến với những thử thách bất ngờ. Liệu chúng ta sẽ biết chào đón Ngài như thế nào? – Và bây giờ chúng ta sẽ lắng nghe, như chúng ta vẫn làm vào mỗi buổi tối, những gì các trẻ em muốn nói (...) Cuối cùng, tôi muốn tất cả chúng ta lắng nghe một bài hát Giáng sinh của Ukraine, bài hát này nhắc nhở chúng ta rằng ánh sáng của hy vọng, mạnh hơn bạo lực và sự dữ, hướng dẫn các bước của chúng ta trên con đường dẫn đến hòa bình. [1] Trong phụng vụ của nghi lễ Byzantine truyền thống, lời nguyện Chén Thánh cho ngày Giáng Sinh có viết: "Lạy Chúa giáng sinh, Chúa Kitô, Thiên Chúa của chúng con, Ngài đã làm cho ánh sáng tri thức chiếu sáng trên thế giới; vì nhờ đó, những người tôn thờ các vì sao đã học được từ một ngôi sao để tôn vinh Ngài, Mặt Trời Công Lý!" [2] «Свята ніч, тиха ніч!» |