TAIZÉ

Ljubljana 2023/24

Suy niệm hằng ngày của Thầy Matthew

 
Trang này bao gồm các bài suy niệm của Thầy Matthew vào mỗi buổi tối ở Ljubljana từ ngày 28 đến ngày 31.12.2023. Các buổi cầu nguyện được trực tuyến trên trang này.

Thứ Năm, ngày 28.12.2023

Thật là một niềm vui được quy tụ ở đây tối nay tại Ljubljana! Các bạn đã đến từ khắp bốn phương của Châu Âu và từ những nơi xa hơn nữa. Nhiều người trong số các bạn đã có một cuộc hành trình dài và các giáo xứ chủ nhà đang chờ đón các bạn, vì vậy tôi hứa sẽ không nói quá lâu.

Thật quan trọng biết bao khi hoạt động chung đầu tiên của chúng ta là dừng lại, để cầu nguyện và trên hết là tạ ơn Thiên Chúa vì cơ hội mà chúng ta có trong những ngày này để gặp gỡ nhau, để khám phá cuộc sống của các Kitô hữu ở Ljubljana và vùng phụ cận và để hành trình cùng nhau. “Hành trình cùng nhau”….. đó là tựa đề của Bức Thư mà chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc gặp mặt này và sẽ làm nền tảng để suy tư trong năm tới tại Taizé và các cuộc gặp mặt ở những nơi khác trên thế giới.

Trong những tháng vừa qua, chúng tôi đã cùng đồng hành với các hội thánh khác nhau ở Ljubljana. Một nhóm tình nguyện viên trẻ, trong đó có hai người mà các bạn sẽ gặp vào tối mai, đã đến thăm các giáo xứ và các cộng đoàn Giáo hội để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của chúng ta với họ. Sự hiếu khách mà bạn sẽ nhận được và chương trình bạn sẽ tham gia là kết quả của thời gian cùng nhau tìm kiếm và lắng nghe lẫn nhau.

Điều thiết yếu trong thế giới ngày nay là chúng ta phải tìm cách cùng nhau thực hành đức tin của mình, ngay cả khi chúng ta đến từ các truyền thống Kitô giáo khác nhau. Trong phần giới thiệu của Bức thư 2024, các bạn tìm thấy những từ sau:

“Như Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Thánh Matthêô “Các con có một thầy và tất cả đều là anh chị em” (Mátthêô 23,8). Chẳng phải tất cả các Kitô hữu đều là anh chị em, hiệp nhất trong một mối hiệp thông dù chưa trọn vẹn nhưng rất chân thật sao? Chẳng phải Chúa Kitô đã mời gọi chúng ta và mở đường cho chúng ta tiến bước cùng Người như những người bạn đồng hành, cùng với những người sống bên lề xã hội của chúng ta sao? Trên hành trình này, trong một cuộc đối thoại hòa giải, chúng ta muốn nhớ rằng chúng ta cần nhau, không phải để áp đặt ý kiến của mình, nhưng như một sự đóng góp cho hòa bình trong gia đình nhân loại.”

Chúng ta hãy ghi nhớ những lời này trong lòng vào buổi tối đầu tiên của cuộc gặp gỡ tại Ljubljana. Cuộc hành trình cùng nhau của chúng ta những ngày này là một cách bày tỏ ước muốn của chúng ta được bước đi với Chúa Kitô, Đấng chào đón tất cả mọi người không có ngoại lệ và là Đấng yêu cầu chúng ta chào đón những người đi ngang qua con đường của chúng ta. Bằng cách đó, dù ở đâu chúng ta cũng góp phần tuy nhỏ bé nhưng là đóng góp thực sự cho hòa bình trên thế giới.

Tất nhiên, chúng ta không thể ngây thơ khi nói về hòa bình. Các tình hình chiến tranh và bạo lực hiện tại và quá khứ đã làm tổn thương lục địa Châu Âu của chúng ta cũng như các nơi khác trên thế giới. Trái tim của chúng ta đặc biệt hướng về các anh chị em từ Ukraine, những người đã có thể tham gia cùng chúng ta trong những ngày này. Một nền hòa bình lâu dài luôn đi đôi với công lý cho tất cả mọi người, nhất là những người đã phải chịu đau khổ.

Nhưng, như trong bài đọc tối nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói “Các con đang tìm kiếm gì?” Chúng ta sẽ trả lời thế nào? Ngài gặp chúng ta trong những khao khát sâu thẳm của chúng ta và nếu chúng ta đáp lại, Ngài mời gọi chúng ta “Hãy đến mà xem”, bước đi với Ngài, nhìn bằng đôi mắt của Ngài. Chúng ta có sẵn sàng dấn thân vào cuộc phiêu lưu đức tin này, đặt niềm tin tưởng vào Đấng yêu thương chúng ta trước khi chúng ta yêu mến Người, để ở lại với Người không?

Sáng mai tại các giáo xứ của mình, các bạn sẽ cùng nhau suy tư về chủ đề lắng nghe. Đây là phần đầu tiên trong “Bức thư 2024”, bởi vì, như bạn sẽ đọc, “Trọng tâm của mọi cuộc đối thoại là lắng nghe”. Những ngày này, hãy sẵn sàng lắng nghe nhau, trước hết nghe những gì người khác nói, cũng như từ Kinh thánh và sự thinh lặng của trái tim chúng ta. Có lẽ khi làm điều này chúng ta sẽ thấy Chúa đang nói với chúng ta. Chúng ta đã sẵn sàng cho điều đó chưa?


Thứ Sáu, ngày 29.12.2023

Sáng nay trong nhóm các bạn đã nói về chủ đề lắng nghe. Những điều mà bạn khám phá được trong thời gian chia sẻ đó là gì? Trong những ngày này, bạn có thể giữ chúng trong lòng để chúng lớn lên và bén rễ không? Có lẽ những suy nghĩ xa hơn sẽ đến với bạn. Bạn có nên ghi lại những điều này để giúp bạn suy ngẫm sâu hơn không?

Khi chúng ta cùng nhau hành trình bằng cách này, đặc biệt là khi mỗi người chúng ta đều mong muốn lắng nghe và không ai áp đặt quan điểm hay hành động của mình lên người kia, cuộc gặp gỡ của chúng ta thường có thể rất mạnh mẽ. Phần đóng góp của mỗi người rất quan trọng, nhưng những gì chúng ta nhận được từ người khác, mặc dù nó có thể thách thức chúng ta, thường làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về con người của mình và chúng ta trở nên phong phú nhờ điều đó. Chính Chúa Giêsu cũng đã trải nghiệm điều này trong cuộc sống trên trần gian.

Việc chào đón một người lạ xuất phát từ trọng tâm của Tin Mừng. Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu không loại trừ bất cứ ai đến với Người, nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả nơi những người ở bên lề xã hội và thuộc các dân tộc hoặc tôn giáo khác nhau. Tương tự như vậy, lòng hiếu khách đơn sơ được thể hiện một cách vị tha đang thách thức lối sống của chúng ta ngày nay.

Chẳng phải chúng ta thường được dạy phải bảo vệ lợi ích của chính mình và lợi ích của những người có cùng chí hướng sao? Khi sống như vậy, tầm nhìn của chúng ta trở nên hạn hẹp hơn và chúng ta bị nhốt trong vùng an toàn của chính mình. Tất nhiên, nỗi sợ hãi của chúng ta có thể có cơ sở và cần được lắng nghe, nhưng khi chúng ta hành trình với Chúa Giêsu, Người muốn dẫn chúng ta đến một cuộc sống viên mãn mà có lẽ trước đây chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được.

Nhưng Chúa Giêsu làm tất cả những điều này với sự nhạy cảm đáng kinh ngạc, tôn trọng quyền tự do của chúng ta và cho chúng ta thời gian chúng ta cần để có thể bước đi tiếp.

Trong đoạn Tin Mừng Thánh Gioan tối nay chúng ta nghe, những người bạn của Chúa Giêsu sợ hãi. Họ thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Họ biết rằng Người sẽ không ở bên họ lâu nữa, rằng tình yêu của Người dành cho họ và toàn thể nhân loại sẽ dẫn đến cái chết của Người và tâm hồn họ xao xuyến.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói với họ rằng Người sẽ không bỏ rơi họ. Người sẽ luôn đi trước họ để chuẩn bị một chỗ cho họ. Khi Tôma tỏ ra hoài nghi và nói: “Chúng con không biết Thầy đi đâu. Làm sao chúng con biết đường đi?”, Chúa Giêsu trấn an ông.

Bởi Chúa Giêsu xin gì điều thì chính Người cũng ban cho. Chính Người là đường. Chúng ta có thể tín thác vào lời của Người và Người là nguồn sự sống dồi dào. Ngay cả khi chính mình phải đối mặt với nỗi đau khổ khủng khiếp, Chúa Giêsu vẫn sẵn sàng lắng nghe nỗi sợ hãi của bạn bè mình, đồng hành với họ trong nỗi lo lắng của họ. Đây là một cách thể hiện tình yêu của Người – một tình yêu sẽ sớm đạt đến mức tột cùng khi Người hiến mạng sống mình trên thập giá. Và tình yêu đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn cái chết.

Chẳng phải tình yêu mạnh mẽ hơn cái chết này đã cho phép chúng ta đối mặt với cuộc sống sao? Tuy nhiên, tình yêu này là một tình yêu khiêm hạ, nhường chỗ cho người khác, tôn trọng những giới hạn của họ và bước đi với họ. Bằng cách này, chúng ta khám phá ra những người hành hương sẵn sàng chia sẻ cuộc hành trình với chúng ta trong cộng đồng tín hữu là Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô, cũng như trong xã hội.

Ngày mai, trong nhóm của mình, các bạn sẽ nói về việc tìm kiếm sự cân bằng giữa việc ở một mình và ở bên người khác. Làm thế nào để hai việc này kết nối? Đó là một chủ đề quan trọng. Như trong Bức thư 2024 đã viết: “Các dây đàn guitar nằm cạnh nhau, nhưng khi được chơi cùng nhau thì chúng mới có thể tạo ra âm thanh hài hòa…”

Buổi cầu nguyện ban tối của chúng ta sẽ tiếp tục với khoảnh khắc cầu nguyện xung quanh icon Thánh Giá. Tất cả những bạn nào mong muốn có thể đến gần cầu nguyện tại Thánh Giá để phó thác cho Chúa Giêsu những lo lắng, phiền muộn cũng như những hoàn cảnh đau khổ trên thế giới. Chúa Kitô chào đón mỗi người chúng ta, như chính chúng ta, và như Người đã làm trong cuộc đời trần thế, đi cùng chúng ta trong những nghi vấn và ngờ vực của chúng ta, cũng như Người chia sẻ niềm vui của chúng ta. Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người.


Thứ Bảy, ngày 30.12.2023

Chúng ta đã đi được nửa chặng đường Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 46 tại Ljubljana. Chúng tôi vô cùng biết ơn các gia đình và giáo xứ đã mở cửa đón tiếp chúng tôi và chào đón chúng tôi một cách nồng nhiệt.

Sáu tháng sau khi tôi trở thành một tu huynh của Taizé, cộng đoàn chúng tôi đã tổ chức cuộc họp Đông-Tây đầu tiên tại thành phố này. Vào thời điểm đó, Châu Âu vẫn bị Bức màn sắt chia đôi, nhưng bất chấp điều này, giới trẻ từ tất cả các nước Châu Âu vẫn có thể đến đây cùng nhau. Đến từ Anh quốc và lớn lên với sự chia cắt ấy, tôi thực sự muốn đến đó. Nhưng tôi không phải là một trong những anh em được chọn tham gia. Tôi hơi thất vọng! Vì vậy, thật là một niềm vui lớn khi được đến Ljubljana ngày hôm nay. Liệu cuộc gặp gỡ năm nay của chúng ta có mang lại dấu hiệu tiên tri giống như năm 1987 về một Châu Âu được hòa giải không?

Đôi khi những ước muốn tuổi trẻ của chúng ta có thể phải mất nhiều năm mới thành hiện thực nhưng chúng ta đừng bao giờ quên chúng. Chúng xuất hiện muộn hơn theo những cách mà chúng ta không ngờ tới! Như Bức thư 2024 đã nói, “cuộc hành trình cần có thời gian, thậm chí cả cuộc đời (…). Có lẽ đây là lúc sức chịu đựng kiên nhẫn và lòng trung thành phát huy tác dụng."

Chúng ta đang sống trong một thế giới thường đòi hỏi kết quả nhanh chóng. Nếu chúng không xảy ra, đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình cần phải thay đổi mọi thứ.

Tối nay, chúng ta đã nghe một đoạn rất hay trong Tin Mừng Gioan, đoạn này có lẽ có thể giúp chúng ta có cái nhìn khác về vấn đề này. Nó trình bày cho chúng ta hai chủ đề quan trọng. Đầu tiên là khái niệm ‘ở lại’. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ở trong Người như Người ở trong chúng ta. Ở lại ngụ ý cái gì đó kéo dài, mà không chỉ ở đó trong một thời gian ngắn. Điều này nói lên sự cam kết của chúng ta.

Chúng ta có thể nói đơn giản hơn rằng vì Chúa Giêsu yêu thương chúng ta nên chúng ta có thể yêu mến Người. Người thiết lập một mối quan hệ với chúng ta, một mối quan hệ lâu dài. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng qua mối quan hệ này, chúng ta có thể cầu xin Người những gì chúng ta cần. Và khi làm điều này, chúng ta khám phá ra một nguồn lực cũng cho phép chúng ta yêu thương người khác. Để mô tả điều này, Người sử dụng hình ảnh cây nho và các cành của nó. Nhánh mọc lên từ cây nho và nhận từ cây nho mọi thứ chúng cần. Chúng cùng một lúc đều được gắn chắc chắn và linh hoạt. Cành có thể chịu đựng được gió bão có thể xảy ra mà vẫn bám chặt vào cây nho.

Ý niệm thứ hai là ‘sinh hoa kết quả’. Cành nho sinh trái khá tự nhiên vì được liên kết với cây nho. Nó không tự mình sinh trái. Nhưng hoa trái này là gì? Một lát sau trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu sẽ nói: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình yêu nào lớn hơn việc hy sinh mạng sống vì những người mình yêu thương.”

Trong Bức thư 2024, chúng ta tìm thấy những lời sau đây: “Bước đi trên hành trình này là chấp nhận mạo hiểm hiến dâng tất cả để theo Chúa Giêsu, để trong sự tự do chúng ta có thể yêu thương cho đến cùng. (...) Đó là cuộc hành trình của cuộc đời chúng ta, qua đó chúng ta chuyển từ địa vị người tôi tớ trở thành bạn hữu của Chúa Kitô. Hoa trái được sinh ra từ những cuộc đời được sống trọn vẹn".

Vì vậy, lời mời gọi tất cả chúng ta là ở lại trong Chúa Kitô, như Chúa Kitô ở trong chúng ta. Qua đó, cuộc sống của chúng ta có thể được biến đổi và chúng ta học được ý nghĩa của việc sống không chỉ cho bản thân mà còn cho người khác.

Cuộc hành trình cần có thời gian. Như thể toàn bộ cuộc đời của chúng ta trở thành một cuộc hành hương. Và các bạn biết rằng trong nhiều năm, Cộng đoàn Taizé của chúng tôi đã dẫn dắt một “cuộc hành hương của niềm tín thác trên trái đất”. Đó là một cách khuyến khích bạn, những người tham gia các cuộc gặp mặt ở Taizé và ở những nơi khác, tiếp tục sống từ những gì bạn đã trải nghiệm khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày. Đâu là những trách nhiệm mà bạn được kêu gọi đảm nhận ở đất nước của mình, trong xã hội và trong Giáo hội? Điều này không phải là dễ dàng. Chúng ta có sẵn sàng dành thời gian để cùng cầu nguyện và tìm cách xây dựng niềm tin và sự hiểu biết không? Bằng những cách nào chúng ta có thể tham gia vào các cộng đồng đã tồn tại, vào Giáo hội hay vào toàn thể xã hội?

Thỉnh thoảng, cuộc hành hương này mang một hình thức cụ thể hơn, giống như ở đây tại Ljubljana trong Cuộc Gặp mặt Giới trẻ Châu Âu lần thứ 46 của chúng ta. Trong năm nay ở Taizé, sẽ có các cuộc gặp mặt hàng tuần và tất cả các bạn đều được mời tham dự. Nhưng Cuộc Gặp mặt Châu Âu lần thứ 47 sẽ diễn ra ở đâu?

- Nó sẽ diễn ra ở một đất nước chưa từng tổ chức cuộc gặp mặt này trước đây, ở thủ đô tráng lệ thời Trung cổ...

- Một đất nước với 2.355 hòn đảo và 1.560 hồ nước...

- Một đất nước có lịch sử văn hóa phong phú nhưng thường xuyên phải chịu phụ thuộc vào các nước láng giềng lớn hơn...

- Một đất nước đã được thay đổi trong hòa bình vào những năm 1990 nhờ một cuộc cách mạng ca hát.

Cuộc Gặp mặt Châu Âu tiếp theo sẽ diễn ra tại Tallinn, thủ đô của Estonia.

Ngày mai chúng ta sẽ nói nhiều hơn về cuộc hành hương của niềm tín thác trên trái đất, với một số ý tưởng mới về cách chúng ta có thể tiếp tục hành trình cùng nhau cho đến cuộc gặp gỡ tiếp theo. Bây giờ chúng ta sẽ cầu nguyện quanh thánh giá, giống như tối qua.


Chúa nhật, ngày 31.12.2023

Đây là buổi cầu nguyện chung cuối cùng của chúng ta ở Ljubljana. Đã đến lúc suy nghĩ về cách thực hiện những gì mỗi người chúng ta đã khám phá được trong những ngày vừa qua. Việc chúng ta hành trình cùng nhau trong thế giới ngày nay có ý nghĩa gì?

Hôm qua, khi nói về Cuộc Hành hương của Tín thác của chúng ta trên Trái đất, tôi đã hỏi các bạn những trách nhiệm mà các bạn được kêu mời đảm nhận ở đất nước của các bạn, trong xã hội và trong Giáo hội là gì? Chúng ta có sẵn sàng dành thời gian để cầu nguyện cũng như tìm kiếm những con đường xây dựng niềm tin và sự hiểu biết không? Bằng những cách nào chúng ta có thể tham gia vào các cộng đồng đã tồn tại, vào Giáo hội hay vào toàn thể xã hội?

Khi chúng ta nhìn vào các tình cảnh bạo lực khác nhau trong xã hội của chúng ta, chiến tranh và xung đột gần kề hoặc ở nơi xa, khi chúng ta nghe thấy tiếng kêu của Trái đất, tạo hóa bị thương tích của Thiên Chúa mà gia đình nhân loại bị tổn thương của chúng ta là một phần trong đó, chúng ta thường cảm thấy mất mát. Mọi thứ đều được liên đới với nhau. Niềm khao khát hòa bình của chúng ta gắn liền mật thiết với lời kêu gọi bảo vệ Công trình Tạo dựng. Đôi khi, chúng ta không còn biết phải quay về đâu và thậm chí chúng ta còn tự hỏi “Chúa ở đâu trong tất cả những điều này?”

Nhưng đây chẳng phải cũng là trải nghiệm của những người bạn của Chúa Giêsu khi Người chết trên thập giá sao? Họ đã đặt hết hy vọng vào Người, nhưng cuối cùng rất ít kẻ ở lại với Người. Tuy nhiên, thời điểm đã đến khi họ hiểu rằng ngay cả cái chết cũng không thể tách họ ra khỏi tình yêu mà họ đã trải qua. Một số người trong số họ thậm chí còn tuyên bố đã nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

Đoạn Tin Mừng Thánh Gioan chúng ta vừa nghe kể cho chúng ta về một người bạn của Chúa Giêsu đã không có mặt ở đó khi những người khác nhìn thấy Người. Tôma là người trung thực nhưng cũng đặt ra những điều kiện cho riêng mình. Có phải anh ta bị tổn thương vì không thể nhìn thấy những gì người khác đã nhìn thấy?

Tôma là người luôn đặt câu hỏi về mọi thứ. Vào tối thứ Sáu, chúng ta nghe ông hỏi Chúa Giêsu làm thế nào Người và những người bạn của ông có thể biết được con đường phía trước. Chúng ta không bao giờ cần phải sợ hãi trước những câu hỏi hoặc thậm chí là những nghi ngờ của mình. Trong đoạn văn tối nay, sự nghi ngờ của Tôma trở thành điểm gặp gỡ với Chúa Giêsu. Như Tôma mong muốn, Chúa Giêsu đến với ông. Lời đầu tiên của Người không phải là một lời quở trách mà là “Bình an cho anh em”. Ngài mời gọi Tôma chạm vào vết thương của mình và hãy tin. Nhìn thấy Chúa Giêsu, Tôma kêu lên “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” Ông không còn cần phải chạm vào Chúa Giêsu nữa, vì cuộc gặp gỡ này đã chữa lành vết thương của Tôma.

Một lần nữa Tôma có thể tin tưởng. Một lần nữa ông có thể cảm thấy mình là một phần trong nhóm bạn của Chúa Giêsu. Ông không còn bị cô lập trong sự nghi ngờ của mình nữa mà là một phần của cộng đồng. Trong Bức thư 2024, các bạn sẽ tìm thấy một câu ngạn ngữ của người Kikuyu ở Đông Phi: “Điều khiến một chặng đường dài trở nên ngắn ngủi là khi chúng ta bước đi cùng nhau”.

Chúng ta có sẵn sàng bước cùng người khác không? Chúa Giêsu hứa đem lại niềm hân hoan cho những ai đặt niềm tin tưởng vào Người, dù họ chưa nhìn thấy Người. Qua sự tín thác này, niềm vui được ban cho mỗi người chúng ta và được củng cố khi chúng ta hành trình cùng nhau. Chúng ta chia sẻ cùng một con đường với nhiều người khác - ngày nay các bạn đã khám phá ra được điều đó.

Tôi không thể quên buổi canh thức cầu nguyện đại kết mang tên “Together” mà chúng ta đã tham dự tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma vào ngày 30 tháng 9. Theo lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quy tụ với tư cách là Dân Chúa từ các truyền thống Kitô giáo khác nhau, từ những nền tảng rất đa dạng, từ mọi thành phần trong xã hội. Trong cầu nguyện, lời chuyển cầu và thinh lặng, chúng ta giao phó cho Chúa Thánh Thần công việc của Thượng Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công Giáo. Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, 20 vị lãnh đạo và đại diện của các Giáo hội khác nhau đã ban phép lành chung. Họ đã đứng cùng nhau và cầu nguyện trước Thánh Giá.

Thượng Hội đồng của Giáo hội Công Giáo là một quá trình đang diễn ra hướng tới phiên họp thứ hai vào tháng 10 năm 2024. Là những người trẻ, các bạn có thể tham gia vào cuộc hành trình này như thế nào? Lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô nói rõ rằng sự đóng góp của các Kitô hữu thuộc mọi truyền thống đều được hoan nghênh. Liệu chúng ta có sẵn sàng bước đi trên cùng một con đường không?

Nếu chúng ta có thể làm được điều đó thì với tư cách là những Kitô hữu cùng nhau, giống như men trong bột, chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Phải chăng hòa bình giữa chúng ta không mang lại hy vọng lớn hơn cho hòa bình trên thế giới? Chúng ta đã sẵn sàng lên đường với tư cách là những Người hành hương Hòa bình trong thời gian từ nay cho đến khi Cuộc Gặp mặt Châu Âu ở Tallinn tiếp tục Cuộc Hành hương của Tín thác trên Trái đất chưa?

Đối với Đêm canh thức Together, hơn 200 sự kiện khác nhau đã diễn ra trên khắp thế giới liên đới với giờ cầu nguyện ở Rôma. Liệu chúng ta có thể dành thời gian cho đến Lễ Phục sinh năm 2024 để suy ngẫm xem chúng ta có thể nghĩ ra sáng kiến nào với tư cách là những Người hành hương Hòa bình ở các quốc gia của mình hiện tại không? Làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện, gặp gỡ và thậm chí đi từ nơi này sang nơi khác, từ nhà thờ này sang nhà thờ khác và tìm kiếm con đường hòa bình?

Những người anh em mới của chúng tôi dành một năm bên ngoài Taizé để chuẩn bị cho cuộc sống gắn bó với cộng đoàn của chúng tôi. Tôi muốn xin mời Thầy Matthias chia sẻ kinh nghiệm thầy đã có ở Brazil hồi đầu năm nay.

Năm ngoái, cùng với Thầy Hendrik, chúng tôi đã tham gia một cuộc hành hương do một cộng đoàn nhỏ tên là ’Trindade’ tổ chức. Đó là một tuần đi bộ, khoảng 100 km, dưới ánh nắng ấm áp của Brazil, với một nhóm 15 người. Hầu hết chúng tôi đều không phải là những người giỏi đi bộ. Tất cả chúng tôi đều đi du lịch với những thứ tối thiểu, với một chiếc túi nhỏ như thế này. Chúng tôi chỉ sử dụng đôi giày thường ngày của mình. Một số người trong chúng tôi đã đi được hết chỉ bằng những đôi dép xỏ ngón!
 
Tất cả chúng tôi đều có xuất thân rất khác nhau. Một số người trong chúng tôi đã sống rất nghèo khổ trên đường phố trong nhiều năm. Nhưng chúng tôi cùng nhau bước đi, cùng nhau đổ mồ hôi, cùng nhau chiêm ngưỡng cảnh vùng quê, cùng chia sẻ những giờ nghỉ dọc đường, cùng nhau xin nước khi cần, cùng nhau cầu nguyện, và mỗi tối chúng tôi cùng nhau trải qua một sự chào đón nồng nhiệt và đáng ngạc nhiên. Tất cả những điều này đã liên kết chúng tôi một cách đơn giản và sâu sắc. Sự liên đới trong nhóm rất đa dạng của chúng tôi đối với tôi là một dấu chỉ khiêm tốn của hòa bình.

Vì vậy, tôi muốn mời tất cả các bạn hãy tìm đôi dép cho mình và lên đường như những Người Hành hương Hòa bình, bắt đầu bằng giờ cầu nguyện tối nay cho hòa bình tại các giáo xứ chủ nhà của các bạn. Hãy viết thư cho chúng tôi về những sáng kiến bạn sẽ thực hiện thông qua địa chỉ trong ứng dụng cuộc gặp mặt. Và sau đó hãy đến Taizé vào Lễ Phục sinh, khi đó chúng tôi sẽ cung cấp thêm tin tức. Liệu chúng ta có dám lên đường lần nữa không phải một mình mà với những người khác, cùng làm sâu sắc cho nhau khi chúng ta hành trình cùng nhau không?

Cập nhật ngày: 1, Tháng Giêng 2024