TAIZÉ

Thầy Alois

2018 Niềm hoan lạc vô tận

 

Một phụ nữ trẻ đang lâm bệnh nặng nói với tôi năm ngoái, “Tôi yêu cuộc sống”. Tôi vẫn còn cảm động sâu xa bởi niềm vui tràn ngập tâm hồn cô, bất chấp những giới hạn do bệnh tật. Tôi đã xúc động không chỉ bởi những lời nói, mà còn bởi biểu hiện xinh đẹp trên gương mặt cô ấy.

Và chúng ta có thể nói gì về niềm vui của trẻ em? Gần đây tôi thấy một số trẻ em ở châu Phi mà chính sự hiện diện của chúng trong các trại tị nạn đã làm cho sức sống triển nở mạnh mẽ, dù rằng nơi đó dồn nén nhiều bi kịch. Năng lượng của chúng biến đổi một loạt những cuộc sống đổ vỡ thành một vườn ươm đầy hứa hẹn. Ước gì chúng biết chúng đã giúp chúng ta nhiều như thế nào để vẫn giữ hy vọng! Hạnh phúc của chúng khi được sống là một tia sáng.

Chúng ta hãy để mình được soi sáng bởi những chứng tá như thế khi chúng ta bắt đầu đảm đương công việc, trong suốt năm 2018, với việc suy ngắm về ba thực tại là niềm vui, sự đơn sơ và lòng thương xót - mà Thầy Roger đã đặt như là tâm điểm cho cuộc sống của cộng đồng chúng ta ở Taizé.


Cùng với một người anh em trong cộng đoàn, tôi đã đi đến Juba và Rumbek ở Nam Sudan, sau đó đến Khartoum, thủ đô của Sudan,
để hiểu rõ hơn tình hình của hai nước này và cầu nguyện cùng với các anh chị em là những người đang bị tổn thương nhất trong thời đại.

Chúng tôi thăm viếng các giáo hội khác nhau và nhìn thấy công việc giảng dạy, sự liên đới, chăm sóc bệnh nhân và những người bị bỏ rơi. Chúng tôi được chào đón tại một trại dành cho những người tị nạn,nơi có nhiều trẻ em bị lạc mất cha mẹ trong các sự kiện bi thảm.
Tôi đặc biệt ấn tượng với những người phụ nữ. Các bà mẹ, thường rất trẻ, chịu phần lớn những đau khổ do bạo lực gây ra. Nhiều người phải chạy trốn khỏi nhà. Vậy mà họ vẫn duy trì sự phục vụ cho cuộc sống.

Sự can đảm và hy vọng của họ thật phi thường. Cuộc viếng thăm này đưa chúng tôi đến gần hơn với những người tị nạn trẻ Sudan mà chúng tôi đang chào đón tại Taizé trong hai năm qua.

Trước đó, hai người anh em khác và tôi đã đến Ai Cập cho buổi họp mặt giới trẻ năm ngày tại cộng đồng Anafora, được thành lập năm 1999 bởi một giám mục Chính Thống Copt. Chúng tôi đã dành thời gian để cầu nguyện, tìm hiểu lẫn nhau và khám phá truyền thống lâu đời và phong phú của Giáo hội Ai Cập. Một trăm người trẻ đến từ châu Âu, Bắc Mỹ, Ethiopia, Li Băng, Algeria và Irac; họ được chào đón bởi những người trẻ Copts từ Cairo, Alexandria và Thượng Ai Cập.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến di sản của những vị tử đạo của
Giáo hội Copt cũng như với nguồn gốc tu viện của họ, đó là một ơn gọi liên lỉ đến sự đơn sơ của cuộc sống. Các anh em và tôi được Đức Thượng phụ Tawadros II, người đứng đầu Giáo hội Chính Thống Copt, chào đón nồng nhiệt.


Khi trở về từ châu Phi, chúng tôi nói với nhau rằng: mọi người quá ít chú ý đến tiếng nói của những người trải qua thử thách khốc liệt như vậy - dù họ ở xa chúng ta hay gần bên. Nó giống như tiếng khóc của họ bị mất hút trong khoảng không. Việc lắng nghe nó thông qua các phương tiện truyền thông là không đủ. Làm thế nào chúng ta có thể đáp trả lại nó bằng cuộc sống của chúng ta?

Những gợi ý cho năm 2018 sau đây được lấy cảm hứng từ câu hỏi này.

Thầy Alois


Bốn gợi ý cho năm 2018

Gợi Ý Thứ Nhất: Đào sâu hơn vào suối nguồn niềm vui

Thiên Chúa phán: "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương.” (Giêrêmia 31,3)

Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi. Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ. (Xôphônia 3,17)

Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! (Philipphê 4,4)

Tại sao, cứ mỗi tối thứ Bảy, nhà thờ ở Taizé lại được chiếu sáng bởi những ngọn nến nhỏ mà mọi người cầm trên tay, tạo nên một bầu khí sống động? Đó là bởi vì sự sống lại của Đức Kitô là nguồn sáng ở tâm điểm đức tin Kitô giáo. Đó là suối nguồn hoan hỉ mầu nhiệm mà tâm trí chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấu hiểu hết. Kín múc từ suối nguồn này, chúng ta có thể "tận hưởng sự hoan lạc nội tâm bởi vì chúng ta biết rằng cuối cùng sự phục sinh sẽ bao trùm toàn thể"
(Olivier Clement, nhà thần học Chính Thống Giáo).

Niềm vui này không phải là một cảm xúc tự mãn cũng không phải là hạnh phúc riêng tư tách lìa khỏi tha nhân, nhưng là sự đảm bảo rằng cuộc sống này có ý nghĩa.

Niềm vui Tin Mừng đến từ sự tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Điều này làm chúng ta nhạy cảm hơn trước những khổ đau của người khác hơn là ở trong tình trạng kiêu hãnh muốn thoát khỏi những thử thách thời đại.

  • Trước hết, hãy tìm kiếm niềm vui với việc chắc chắn rằng chúng ta thuộc về Chúa. Một lời cầu nguyện của một nhân chứng cho Chúa Kitô từ thế kỷ 15 có thể hỗ trợ chúng ta trong điều này: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, xin lấy đi khỏi con tất cả những gì giữ con rời xa Ngài. Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, xin cho con tất cả những gì mang con đến gần hơn với Ngài. Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, xin đưa con ra khỏi chính con người con và cho con thuộc trọn về Ngài” (Thánh Nicholas thành Flue).
  • Niềm vui của chúng ta được nuôi dưỡng khi chúng ta cầu nguyện cùng nhau trong tiếng hát. Thầy Roger nói rằng “Hãy hát với Đấng Kitô cho đến khi bạn vui vẻ và thanh thản”. Ca hát với nhau tạo ra cả một mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa cộng đoàn. Vẻ đẹp của không gian cầu nguyện, của phụng vụ và các bài hát là một dấu hiệu của sự phục sinh. Cầu nguyện cùng nhau có thể khơi dậy những gì các Kitô hữu Đông phương gọi là "niềm vui của thiên đàng trên trái đất."
  • Chúng ta cũng có thể khám phá sự phản chiếu tình yêu Thiên Chúa ở trong niềm vui của con người được khơi mở cho chúng ta bằng thơ ca, âm nhạc, kho tàng nghệ thuật, vẻ đẹp của Tạo Hóa, chiều sâu của tình yêu, của tình bạn...

Gợi Ý Thứ Hai: Lắng nghe tiếng kêu cầu của những ai thống khổ

Lạy Chúa, xin nghe lời con cầu khẩn, tiếng con kêu, mong được thấu tới Ngài. Buổi con gặp gian truân, xin Ngài đừng ẩn mặt, trong ngày con cầu cứu, xin Ngài lắng tai nghe và mau mau đáp lời. (Thánh vịnh 102,2-3)

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Luca 10,21)

Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết. Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích, chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ; anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ, chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể. (Thư Do Thái 13,2-3)

Vì sao vẫn còn rất nhiều người đang phải trải qua gian nan thử thách - sự phân biệt, bạo lực, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai - và hơn hết là tiếng nói của họ dường như không được ai lắng nghe.

Họ cần được hỗ trợ nơi ở, thực phẩm, giáo dục, việc làm và chăm sóc y tế nhưng điều quan trọng đối với họ chính là tình thân hữu.
Việc phải nhận sự giúp đỡ từ người khác có thể dễ cảm thấy tủi nhục. Do đó cần những người tạo ra mối dây liên kết thân hữu để có thể xoa dịu trái tim của những người đang khốn khó.

Lắng nghe tiếng khóc than của những ai đang bị tổn thương, nhìn vào mắt họ, lắng nghe hoặc xoa dịu những người đang đau khổ, những người già cả, người yếu bệnh, tù nhân, người vô gia cư, người tị nạn… Những cuộc gặp gỡ cá nhân này giúp chúng ta khám phá ra phẩm giá của tha nhân và cho phép ta nhận lại điều gì đó từ chính họ, bởi vì ngay cả người thiếu thốn nhất vẫn có thứ gì đó để cho đi.

Phải chăng những người dễ bị tổn thương nhất, là những người đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội tương thân tương ái hay sao? Họ cũng cho chúng ta thấy được những thiếu xót của chính mình, và từ đó giúp chúng ta trở nên nhân bản hơn.

  • Chúng ta không được quên là, bằng cách trở nên con người, Chúa Giêsu đã kết hiệp với mỗi người chúng ta. Ngài hiện diện nơi mỗi người, đặc biệt là những người bị bỏ rơi (Mátthêô 25,40). Khi chúng ta gặp gỡ những người bị tổn thương bởi cuộc sống, ta trở nên gần gũi hơn với Chúa, một người khiêm hạ giữa những người khiêm hạ; việc này sẽ làm cho chúng ta thêm mật thiết với Chúa Giêsu. “Đừng sợ chia sẻ những gánh nặng của người khác, đừng sợ đau khổ, vì thường nơi vực sâu tăm tối nhất sẽ tiềm tàng một niềm vui trọn hảo thông hiệp với Chúa Giêsu” (trích Điều Luật Taizé).
  • Thông qua những cuộc gặp gỡ cá nhân, mà chúng ta được mời gọi giúp đỡ những ai đang thiếu thốn, không phải mong nhận lại điều gì, nhưng với tâm thái sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì mà họ chọn lựa chia sẻ với chúng ta. Bằng cách này trái tim sẽ trở nên lớn hơn và mở lòng hơn khi tiếp xúc với người khác.
  • Tương tự, trái đất chúng ta cũng dễ bị tổn thương như vậy, và ngày càng nghiêm trọng hơn trước những nếp sống của con người. Chúng ta cần lắng nghe những tiếng khóc của trái đất. Chúng ta cần chăm sóc cho nó. Chúng ta phải tìm cách ngăn chặn sự tàn phá đang diễn tiến khắp nơi trên thế giới, bằng cách thay đổi nếp sống của chính mình.

Gợi Ý Thứ Ba: San sẻ niềm vui và thử thách

Vui với người vui, khóc với người khóc. (Thư Rôma 12,15)

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (Mátthêô 5,5)

Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Ðức Chúa là thành trì bảo vệ anh em. (Nơkhemia 8,10)

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu vẫn mang dấu đinh trên tay (Gioan 20,24-29). Mầu nhiệm phục sinh của Chúa bao hàm cả cuộc khổ nạn. Đối với chúng ta là những môn đệ đi theo đường lối của người, niềm vui và thử thách đôi lúc song hành với nhau; cả hai kết hợp lại và trở nên lòng trắc ẩn.

Niềm vui nội tâm không làm yếu đi tình đoàn kết giữa anh em; mà ngược lại nuôi dưỡng nó. Nó thậm chí còn thôi thúc chúng ta vượt ra khỏi giới hạn của mình để đồng hành và giúp đỡ người khác. Nó giúp duy trì trong ta sự bền chí và tha thiết phục vụ tha nhân.

Ở những nơi xa hoa, khi người ta đủ ăn đủ mặt, hội tụ mọi điều kiện như giáo dục, y tế, v.v... niềm vui đôi khi vắng bóng; một số trở nên hao mòn và thiếu nghị lực bởi chính sự tầm thường đến vô vị của cuộc sống.

Nghịch lý thay, sự gặp gỡ với những con người khốn khổ đôi lúc lại giúp họ tìm thấy niềm vui, một niềm vui thật sự mà không thể thay thế được.


  • Chúng ta phải tìm lại niềm khao khát được vui sống, thứ mà bén rể sâu thẳm nơi tâm hồn ta. Con người được dựng nên để vui sống chứ không phải để ưu sầu. Hơn nữa, niềm vui thực sự là không giữ lại cho riêng mình, nhưng lan toả chan hoà giữa anh chị em với nhau. Như Mẹ Maria sau khi được sứ thần truyền tin, đã vội vã đi thăm bà Elizabeth để cùng nhau hát ca ngợi Chúa (Luca 1,39-56).
  • Như Chúa Giêsu cũng đã khóc thương Ladarô (Gioan 11,5), chúng ta cũng hãy dám khóc thương cho những đau khổ của anh em mình. Chúng ta có thể mang anh em mình trong lời cầu nguyện. Bằng cách này, chúng ta không bỏ rơi họ trước sự trơ trụi của số phận; nhưng là phó dâng cả cho lòng quảng đại của Chúa, Người yêu chúng ta cho đến tận cùng.
  • Khi ta kề vai sát cánh với những ai đang đau khổ, và khóc than với họ, chúng ta sẽ thêm nghị lực, một sự bùng phát tích cực chống lại bất công và những mối nguy đe doạ đến đời sống con người, hoặc biến đổi một cuộc sống tưởng chừng như bế tắc.

Gợi Ý Thứ Tư: Giữa các Kitô Hữu, hãy hân hoan với những hồng ân của người khác

Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.
(Êphêsô 1,9-10)

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau. (Thánh Vịnh 133,1)

Thiên Chúa đã sai Đức Kitô đến thế gian để quy tụ tất cả tạo vật trong hoàn vũ lại làm một, để quy tụ tất cả mọi thứ nơi Ngài. Thiên Chúa đã gửi Ngài đến để mang con người đến với nhau trong một gia đình: đàn ông và đàn bà, trẻ em và người cao tuổi, mọi người từ mọi nguồn gốc, ngôn ngữ và văn hoá, thậm chí cả những quốc gia đối lập.

Nhiều người mong ước các Kitô hữu được hiệp nhất để họ không còn vì những sự tách biệt của họ mà che giấu đi sứ điệp hiệp thông hoàn vũ của Đức Kitô. Không phải sự hiệp nhất của chúng ta, với tư cách là anh em, chị em với nhau, là một dấu hiệu được nếm trước sự hiệp nhất và hòa bình giữa con người hay sao?

  • Là những Kitô hữu của các giáo hội khác nhau, chúng ta nên có lòng gan dạ để quay về với Chúa Kitô và “tự đặt chúng ta dưới cùng một mái nhà” mà không chờ đợi các nhà thần học của chúng ta hoàn toàn đồng điệu với nhau. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng gọi của một tu sĩ Chính thống Copt, người đã viết: “Bản chất cốt lõi của đức tin là Đức Kitô, Đấng mà không có một sự diễn đạt nào có thể định nghĩa được. Vì vậy, cần phải bắt đầu cuộc đối thoại của chúng ta bằng cách chào đón Chúa Kitô, người là duy nhất... Chúng ta phải bắt đầu bằng cách sống cùng với nhau bản chất cốt lõi của đức tin mà không cần phải chờ đợi để đạt được thỏa thuận về việc thể hiện nội dung của nó. Bản chất của đức tin, là chính Chúa Kitô, được xây dựng trên tình yêu, trong mỗi ơn huệ của mỗi người chúng ta.” (cha Matta el-Makine, 1919-2006)
  • Để đi vào ngay vào tiến trình này, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cảm ơn Chúa vì những ơn huệ của người khác. Trong chuyến viếng thăm Lund (Thụy Điển) nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cải Cách, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, hãy cho phép chúng con hân hoan nhận ra rằng những ơn huệ đã đến với giáo hội qua cải cách.” Lấy cảm hứng từ ví dụ này, chúng ta hãy chú ý nhận ra những giá trị khác mà Thiên Chúa đã đặt vào người khác và những gì chúng ta có thể thiếu. Liệu chúng ta có thể cố gắng chấp nhận được sự khác biệt của họ như là việc làm giàu cho chính chúng ta, ngay cả khi nó bao gồm những khía cạnh khiến chúng ta lảng tránh lúc ban đầu? Chúng ta có thể tìm thấy sự tươi mới của niềm vui trong những món quà của người khác không?
Cập nhật ngày: 28, Tháng Mười Hai 2017

PDF - 1.9 Mb
Proposals 2018 (pdf)

"Gợi ý 2018" bằng những ngôn ngữ khác.