TAIZÉ

12.5.1915 – 16.8.2005

Tưởng nhớ Thầy Roger

 
Thầy Alois, người kế nhiệm Thầy Roger, đã viết đoạn sau đây như một lời giới thiệu cho cuốn sách Chọn để yêu) (Presses de Taizé, 2006), do Cộng đoàn Taizé xuất bản như một lời bày tỏ lòng biết ơn đối với cuộc sống của người sáng lập.

JPEG - 18.9 kb

Sự ra đi của Thầy Roger để lại một nỗi trống trải vô cùng. Chúng tôi vô cùng bàng hoàng trước cái chết bi thảm của thầy. Nhưng đồng thời, trong Cộng đoàn, chúng tôi đã sống khoảng thời gian đó với lòng biết ơn sâu sắc về tất cả những gì mà thầy đã để lại cho chúng tôi. Và cuốn sách này nói lên điều ấy.

Rất nhiều người trên khắp thế giới đã chia sẻ cùng một lòng biết ơn này và điều ấy đã trợ lực chúng tôi. Chúng tôi như đang được chính Thiên Chúa nâng đỡ vậy. Thật vậy trong thử thách này, cộng đoàn nhỏ bé của chúng tôi đã trải nghiệm sự hiệp nhất mà các Kitô hữu tiên khởi đã sống: nên một lòng một trí.

Đối với Thầy Roger, việc tìm kiếm sự hòa giải giữa các Kitô hữu không phải là một chủ đề để suy ngẫm, mà đó là một điều hiển nhiên phải được thực hiện. Với thầy, điều quan trọng hơn hết là sống theo Tin Mừng và truyền rao Tin Mừng cho người khác. Và chúng ta chỉ có thể sống Tin Mừng cùng với nhau, còn khi tách biệt thì không còn ý nghĩa gì.

Khi còn rất trẻ, thầy đã có linh tính rằng một cuộc sống trong cộng đoàn có thể là một biểu tượng của sự hòa giải, một cuộc sống trở thành một dấu chỉ. Vì vậy, thầy đã nghĩ đến việc quy tụ một nhóm những người mà điều họ kiếm tìm trước hết là để được hòa giải. Đây là ơn gọi chính của Taizé, được thầy gọi là “dụ ngôn của sự hiệp thông”, một dấu chỉ nhỏ nhưng có thể nhìn thấy được của sự hòa giải.

Tuy nhiên, đời sống đan tu đã biến mất khỏi các Giáo hội Cải cách và thầy xuất thân từ một gia đình theo Tin Lành. Do đó, thầy không chối bỏ xuất thân của mình, mà đã lập nên một cộng đoàn vốn có gốc rễ trong Giáo hội không chia rẽ từ trước thời Kháng Cách. Bản thân sự hiện diện của cộng đoàn này có một kết nối chặt chẽ với các truyền thống Công Giáo và Chính Thống. Khi những nền tảng này đã được thiết lập vững chắc vào đầu thập niên 70, và Cộng đoàn đã có những anh em Công Giáo, thầy vẫn tiếp tục kiến tạo Cộng đoàn cho đến hơi thở cuối cùng.

Về con đường của riêng mình, thầy nói: “Đời sống chứng tá của bà tôi đã tác động đến tôi. Theo bước chân bà, khi còn khá trẻ tôi đã tìm thấy căn tính Kitô hữu của chính mình bằng việc hòa giải đức tin gốc rễ của tôi với mầu nhiệm đức tin Công Giáo, mà không phá vỡ tình huynh đệ với bất cứ ai.”

Di sản thầy để lại rất lớn lao. Và trên hết, di sản này vẫn luôn tồn tại. Thầy Roger đã để lại cho chúng ta những bài viết của thầy; nhưng đối với thầy, những bài viết này phải liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với những hoàn cảnh mới. Ngay cả Điều Luật của Cộng đoàn, nền tảng cho đời sống chung của chúng tôi, cũng đã được viết lại nhiều lần. Dường như thầy muốn dạy chúng tôi đừng dính chặt với chữ nghĩa hay những cấu trúc, nhưng hãy phó thác chính mình cho hơi thở của Thần Khí.

Qua Thần Khí, Thiên Chúa hiện diện với mỗi con người. Thầy Roger dành một vị trí trong trái tim mình cho tất cả mọi người, mọi quốc gia, đặc biệt là cho người trẻ và trẻ em. Thầy có niềm đam mê với sự hiệp thông. Thầy thường lặp lại những lời này: “Chúa Kitô không đến thế gian để tạo ra một tôn giáo mới, nhưng để ban cho mỗi con người một sự hiệp thông với Thiên Chúa”. Sự hiệp thông độc đáo này, tức Giáo hội, là dành cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ.
Một trong những mối quan tâm thường xuyên của thầy là làm sao để người trẻ có thể tiếp cận được sự hiệp thông này và dỡ bỏ những trở ngại trên con đường của họ. Thầy nhận thức sâu sắc rằng một trong những cản trở lớn nhất là coi Thiên Chúa như một thẩm phán nghiêm khắc, gieo rắc sợ hãi. Càng ngày, có một trực giác rõ ràng hơn trong thầy, và thầy đã làm mọi thứ có thể để truyền tải trực giác đó bằng chính cuộc sống của mình: Thiên Chúa không thể làm gì khác ngoài yêu. Nhà thần học Chính Thống Olivier Clément gần đây đã nhắc nhở chúng ta rằng việc Thầy Roger nhấn mạnh về tình yêu của Thiên Chúa đã đánh dấu kết thúc một thời kỳ ở nhiều giáo phái Kitô giáo khác nhau cho rằng người ta sợ hãi Thiên Chúa vì xem Ngài là một Đấng trừng phạt.

Khi còn trẻ, Thầy Roger đã biết đến những Kitô hữu cảm thấy Tin Mừng đang áp đặt gánh nặng khắc nghiệt lên các tín hữu. Vì thái độ này mà đã có lúc đức tin của thầy gặp thử thách và thầy nảy sinh nhiều nghi ngờ. Trong suốt cuộc đời của thầy, niềm tin cậy vào Thiên Chúa vẫn là một cuộc đấu tranh thực sự. Chính cuộc đấu tranh này là khởi nguồn cho sự cởi mở và lòng khao khát lắng nghe mà thầy dành cho những thế hệ trẻ. Bản thân thầy nói rằng thầy mong muốn “tìm cách thấu hiểu mọi thứ ở người khác”.

Nhiều người trẻ hình dung thầy như là một người luôn sẵn sàng lắng nghe họ mỗi tối sau giờ cầu nguyện trong nhà thờ, hàng giờ nếu cần thiết. Và khi đã quá yếu và mệt mỏi để lắng nghe mọi người, thầy vẫn tiếp tục ở lại nhà thờ vào những buổi tối, chúc lành cho những người đến với thầy, một cách đơn sơ, bằng cách đặt tay lên trán họ.
Cho đến cuối cùng, với nghị lực phi thường và lòng can đảm, thầy đã dẫn dắt chúng tôi trên con đường mở lòng với người khác. Không có nỗi đau khổ nào, về thể chất hay tinh thần khiến thầy sợ hãi đến mức quay lưng lại với sự cởi mở ấy. Ngược lại, thầy còn chạy về phía nó. Và đã hơn một lần, thầy bị cuốn vào một trường hợp rất đau khổ đến nỗi dường như thầy đã quên mất những điều khác cũng quan trọng không kém. Về điểm này, thầy giống như người chăn chiên trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, người bỏ quên chín mươi chín con chiên để chăm sóc một con chiên bị lạc.

Nói chuyện với chị gái của thầy, chị Geneviève, người ta ấn tượng bởi bà giống em trai mình ở chỗ tránh mọi lời nói tàn nhẫn, tránh mọi xét đoán mang tính phân biệt. Điều này đến từ sâu xa trong gia đình, từ một người mẹ đặc biệt. Tất nhiên, tính cách như vậy cũng có mặt trái của nó. Nhưng điều quan trọng là Thầy Roger đã biết sáng tạo với món quà này. Và chúng tôi, những người anh em của thầy, đã thấy rằng điều đó đôi khi dẫn thầy đến những giới hạn mà một con người có thể chịu đựng được.

Người ta nói thầy có một trái tim rộng lớn, một lòng tốt đáng ngưỡng mộ. Lòng tốt không phải là một lời nói trống rỗng, mà là một sức mạnh có khả năng biến đổi thế giới, bởi vì qua tấm lòng này, Thiên Chúa đang hoạt động. Trước điều ác, lòng tốt là thực tại dễ bị tổn thương, nhưng cuộc đời của Thầy Roger sống vì người khác là một lời hứa rằng bình an của Thiên Chúa sẽ là điều cuối cùng dành cho mỗi người chúng ta trên trái đất này.

Thầy không ngừng tìm cách hiện thực hóa lòng thương xót chân thành, đặc biệt đối với người nghèo. Thầy thích trích dẫn câu nói của Thánh Augustinô: “Hãy yêu thương và nói điều đó bằng cuộc sống của bạn”. Điều này đôi khi khiến thầy có những cử chỉ đáng ngạc nhiên. Có một lần, thầy trở về sau chuyến lưu trú ở Calcutta với một đứa bé trên tay, một bé gái mà Mẹ Têrêsa đã giao phó cho thầy, với hy vọng rằng việc đi Châu Âu sẽ cứu được mạng sống của cô bé - điều đã trở thành sự thật. Thầy cũng tiếp đón và giúp đỡ hai góa phụ người Việt Nam cùng con cái của họ tới Taizé, những người mà thầy đã gặp khi đến thăm một trại tị nạn ở Thái Lan.

Cần phải cụ thể: đặc điểm này của thầy còn được thể hiện qua khả năng sắp xếp một căn phòng hoặc một ngôi nhà. Thầy không thích xây dựng các tòa nhà. Khi thực sự cần thiết, chúng phải khá đơn giản, rất thấp và nếu có thể thì xây bằng vật liệu tái chế. Nhưng thầy yêu thích việc cải tạo những nơi ở. Thầy cố gắng tạo ra vẻ đẹp bằng việc dùng rất ít vật liệu. Vào thời điểm cần xây dựng một nhà thờ mới ở Taizé, thầy đã phản đối dự án đó trong thời gian dài và sau đó thầy liên tục thích nghi và thay đổi cách sắp xếp. Tôi nhận thấy điều này ngay cả ở khu dân cư nghèo khó vùng Mathare Valley ở Kenya, nơi chúng tôi ở đó vài tuần trước khi một số anh em đến sống ở đó trong nhiều năm. Trong căn lều tồi tàn giữa cảnh nghèo khó, thầy đã tìm ra cách để tăng thêm vẻ đẹp mà hầu như không sử dụng gì. Như thầy từng nói, chúng tôi muốn làm mọi thứ để cuộc sống của những người xung quanh trở nên tốt đẹp.

Thầy Roger thường nhắc đến các Mối Phúc Thật, và đôi khi thầy nói về chính mình: Je suis un pauvre, “Tôi là một người nghèo.” Thầy kêu gọi anh em chúng tôi đừng là những bậc thầy tâm linh mà hãy là những người biết lắng nghe. Thầy nói về thừa tác vụ của mình như “một tôi tớ nghèo khổ của sự hiệp thông ngay trong cộng đoàn”. Thầy không che giấu sự tổn thương của mình.

Giờ đây, cộng đoàn nhỏ bé của chúng tôi cảm thấy được thúc đẩy để tiếp tục con đường mà thầy đã mở ra. Đó là con đường của sự tín thác. Đối với thầy “tín thác” không phải là một từ ngữ đơn giản, tầm thường. Niềm tin chứa đựng một lời kêu gọi: đón nhận một cách rất đơn sơ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người, để gắn chặt đời sống chúng tôi với tình yêu đó và chấp nhận những rủi ro mà nó đem đến.

Đánh mất trực giác đó sẽ khiến chúng tôi đặt gánh nặng lên những người đến tìm kiếm nước hằng sống. Đức tin trong tình yêu này là một thực tại hoàn toàn đơn giản, đơn giản đến mức mỗi người đều có thể đón nhận nó. Và đức tin này có thể dời núi. Khi đó, ngay cả lúc thế giới thường xuyên bị chia cắt bởi bạo lực và xung đột, chúng tôi vẫn có thể nhìn nó với niềm hy vọng.

Thầy Alois

Những sách do Thầy Roger viết

(Tựa gốc tiếng Pháp và ấn bản tiếng Anh)

1958, Vivre l’Aujourd’hui de Dieu / Living Today for God
1965, Dynamique du provisoire / The Power of the Provisional
1968 Violence des pacifiques / Violent for Peace
1971, Ta fête soit sans fin / Festival Without End
1973, Lutte et contemplation / Struggle and Contemplation
1976, Vivre l’inespéré / A Life We Never Dared Hope For
1979, Etonnement d’un amour / The Wonder of a Love
1980, Les Sources de Taizé / The Sources of Taizé
1982, Fleurissent tes déserts / And Your Deserts Shall Flower
1985, Passion d’une attente / A Heart that Trusts
1988, Son amour est un feu / His Love is a Fire
1995, En tout la paix du cœur / Peace of Heart in all Things
2001, Dieu ne peut qu’aimer / God is Love Alone
2005, Pressens-tu un bonheur / Glimmers of Happines

Những sách viết cùng Mẹ Têrêsa

1986, Le Chemin de Croix / Meditations on the Way of the Cross
1989, Marie, Mère des Réconciliations / Mary, Mother Of Reconciliations
1992, La prière, fraîcheur d’une source / Prayer: Seeking the Heart of God


Mỗi năm, Thầy Roger viết một “bức thư” được những người trẻ đọc và suy ngẫm trong suốt năm, ở nhà hoặc trong một trong các buổi gặp mặt tại Taizé. Bức thư này thường được người sáng lập Taizé viết ở những nơi hằng lên sự nghèo đói, nơi thầy đã ở một thời gian như: Kolkata, Chile, Haiti, Ethiopia, Philippines, Nam Phi…

Thầy Roger nhận được các giải thưởng sau

09 04 1974: The Templeton Prize, London
13 10 1974: Peace Prize of the German Book Trade, Frankfurt
21 09 1988: UNESCO Prize for Peace Education, Paris
04 05 1989: Charlemagne Prize, Aix-la-Chapelle
20 11 1992: Robert Schuman Prize, Strasbourg
24 04 1997: Notre Dame Award for International Humanitarian Service, Notre Dame University, Indiana, USA
22 10 2003: Dignitas Humana Award, Saint John’s School of Theology*Seminary, Collegeville, Minnesota, USA

Cập nhật ngày: 11, Tháng Năm 2008
See also Short writings from Taizé N° 10
Two views of the life of Brother Roger:
Interview with Cardinal Kasper
Article by Brother Alois