TAIZÉ

Tại sao Thầy Roger qua đời?

 

Trong nhiều bức điện tín chúng tôi nhận được, người ta so sánh cái chết của Thầy Roger với cái chết của Martin Luther King, của Tổng Giám mục Romero hay của Gandhi. Vào thời điểm đó, chúng tôi cảm thấy được an ủi khi chứng kiến Thầy Roger nằm trong hàng ngũ những chứng nhân đã hy sinh mạng sống của mình. Tuy nhiên, sau khi suy ngẫm thì không thể phủ nhận rằng đã có sự khác biệt rõ rệt. Những người kia đã tham gia vào cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng, bị ám sát bởi những người bất đồng quan điểm khi không thể chịu đựng sức ảnh hưởng của họ. Cái chết của các tu sĩ ở Tibhirine cũng nằm trong bối cảnh đối đầu chính trị, ngay cả khi họ bị sát hại không phải vì lo sợ ảnh hưởng mà họ có thể gây ra, mà đơn giản là vì họ đã là một biểu tượng quá mạnh mẽ.

Một số người có thể sẽ cho rằng tìm kiếm lời giải thích cho vụ sát hại Thầy Roger là vô ích. Thật vậy: cái ác, cái ác thực sự, luôn khó có thể giải thích được. Một người công chính trong Cựu Ước nói rằng anh bị ghét “vô cớ” (Thánh vịnh 69,5). Và Thánh Gioan đã đặt những lời tương tự trên môi miệng của Chúa Giêsu: “Chúng ghét con vô cớ” (Gioan 15,25). Theo nghĩa này, tìm kiếm một câu trả lời là thật vô ích.

Tuy nhiên, khi sống bên cạnh Thầy Roger, một khía cạnh trong tính cách của thầy luôn khiến tôi ấn tượng và tôi tự hỏi liệu đó có phải là lý do khiến thầy trở thành mục tiêu hay không. Thầy Roger là một người hồn nhiên đơn sơ. Tôi không dùng từ này với ý nói rằng thầy không có thiếu sót. Người hồn nhiên đơn sơ thấy mọi thứ tỏ tường và gần gũi theo cách mà người khác không cảm nhận được. Đối với họ, sự thật thì hiển nhiên. Nó không phụ thuộc vào lý luận hay tìm kiếm. Theo một nghĩa nào đó, họ “nhìn thấy” sự thật, và họ khó nhận ra được người khác phải tiếp cận cách khó nhọc hơn. Những gì họ nói hoặc đề xuất đều đơn giản và rõ ràng, và họ ngạc nhiên khi những người khác không cảm thấy như vậy. Thật dễ hiểu vì sao những người như vậy thường cảm thấy bối rối, hay dễ bị tổn thương. Tuy vậy, sự hồn nhiên của họ nhìn chung không phải là sự ngây thơ. Đối với họ, thực tế chỉ đơn giản là không mờ mịt như đối với những người khác. Họ “nhìn xuyên thấu được sự thật.”

Tôi xin lấy một ví dụ về sự hiệp nhất Kitô giáo. Đối với Thầy Roger, nếu Chúa Kitô muốn và làm cho sự hiệp nhất này khả hữu thì hiển nhiên chúng ta phải sống hiệp nhất mà không trì hoãn. Những lập luận bác bỏ điều này chắc hẳn khiến thầy cảm thấy thật giả tạo. Với thầy những lập luận đó cũng chỉ để biện minh cho những quan điểm mà mọi người không muốn từ bỏ mà thôi. Theo thầy, sự hiệp nhất Kitô giáo trước hết là vấn đề về hòa giải. Thật vậy, thầy đã đúng, vì tất cả chúng ta rất hiếm khi tự hỏi liệu mình có sẵn sàng trả giá cho sự hiệp nhất đó hay không. Liệu một sự hòa giải mà không chạm đến xác thịt chúng ta thì có còn xứng đáng với tên gọi đó không?

Đôi khi người ta cho rằng thầy không biết về thần học. Nhưng chẳng phải thầy sáng suốt hơn nhiều so với những người đã nói điều đó sao? Qua nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đã phải biện minh cho sự chia rẽ của mình. Họ phóng đại những quan điểm đối lập cách giả tạo. Một cách vô thức, họ đã bước vào một quá trình đối đầu và không thể nhìn thấy hiện tượng này đang diễn ra trước mắt mình. Họ đã không “nhìn thấu được”. Với họ, sự hiệp nhất dường như là không thể.

Thầy Roger rất thực tế. Thầy luôn suy xét những điều vẫn chưa thể đạt được, đặc biệt là từ góc nhìn về thể chế. Nhưng thầy không hề dừng lại ở đó. Sự hồn nhiên mà tôi nhắc đến đã cho thầy một sức mạnh tin tưởng khá đặc biệt, một kiểu hiền hòa không bao giờ chấp nhận thất bại. Cho đến cùng, thầy coi sự hiệp nhất Kitô giáo là vấn đề hòa giải. Giờ đây, sự hòa giải là một bước mà mọi Kitô hữu đều có thể thực hiện. Nếu mọi người cùng nhau hoà giải, sự hiệp nhất nằm trong tầm tay chúng ta.

Có một khía cạnh khác diễn tả một cách rõ ràng lối tiếp cận của Thầy Roger, thậm chí thể hiện rõ ràng hơn về căn tính của thầy, đó là thầy không thể chịu đựng được bất cứ điều gì có thể gây nghi ngờ hoặc làm lu mờ tình yêu thương của Thiên Chúa. Có lần tôi thấy thầy bối rối khi tự hỏi làm sao Thánh vịnh 103 có thể nói về Thiên Chúa rằng “Người chẳng trách cứ luôn luôn và cũng không oán hờn mãi mãi” (câu 9). Mọi người có phải tin rằng Thiên Chúa cần phải buộc tội, và oán hờn là một phần bản chất của Ngài? Ở đây, chúng ta lại đề cập đến sự hiểu biết tức thời về những thực tại của Thiên Chúa. Không phải thầy từ chối suy ngẫm. Nhưng trong thâm tâm, thầy cảm nhận rất mãnh liệt rằng có một số cách diễn đạt được cho là đúng – ví dụ như về tình yêu thương của Thiên Chúa – thực ra lại che khuất đi điều mà những người ít hiểu biết mong đợi từ tình yêu thương đó.

Nếu Thầy Roger nhấn mạnh nhiều đến lòng nhân từ sâu sắc của con người, thì điều này cũng nên được nhìn nhận dưới góc nhìn tương tự. Thầy không có ảo tưởng về cái ác. Về bản chất, thầy có xu hướng dễ bị tổn thương. Nhưng thầy chắc chắn rằng nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tha thứ những lỗi lầm của chúng ta, thì đối với Ngài, lỗi lầm ấy sẽ không được nhắc đến nữa. Mọi sự tha thứ đích thực đều đánh thức chiều sâu tâm hồn con người, những chiều sâu ấy được tạo nên vì sự tốt lành và nó khao khát sự tốt lành.

Paul Ricœur đã có ấn tượng sâu sắc bởi việc nhấn mạnh sự tốt lành đó nơi mà ông nhìn thấy được ý nghĩa của tôn giáo. “Nhằm giải phóng chiều sâu của lòng tốt trong con người, tìm kiếm nó ở nơi nó bị chôn vùi hoàn toàn.” Trong quá khứ, có một phong cách giảng đạo Kitô giáo liên tục quay lại với bản chất xấu xa của con người. Phương pháp này đảm bảo rằng sự tha thứ sẽ được coi là một điều gì đó hoàn toàn nhưng không và không đáng có. Nhưng điều này đã khiến nhiều người rời xa đức tin; ngay cả khi nghe nói đến tình yêu, họ vẫn có ấn tượng rằng một phần tình yêu đó đã bị kìm nén và sự tha thứ được tuyên xưng là không trọn vẹn.

Điều quý giá nhất mà Thầy Roger để lại cho chúng tôi có lẽ được tìm thấy ở cảm thức yêu thương và tha thứ. Đối với thầy, đó là hai thực tại hiển nhiên và thầy nắm bắt được ngay, theo cách mà chúng ta thường không làm được. Về khía cạnh này, thầy thực sự hồn nhiên – luôn giản dị, không đề phòng, đọc được tâm hồn người khác, có khả năng tin tưởng sâu sắc. Ánh nhìn vô cùng đẹp trong mắt thầy chính là biểu hiện cho điều đó. Thầy cảm thấy thoải mái với các trẻ nhỏ, đó là vì trẻ nhỏ cũng sống một cách thẳng thắn như vậy; chúng không thể tự bảo vệ mình và chúng không thể tin vào những gì phức tạp; tâm hồn chúng hướng thẳng đến những gì đánh động mình.

Tôi biết rõ những ngờ vực không bao giờ vắng mặt trong cuộc đời Thầy Roger. Đó là lý do tại sao thầy yêu thích câu nói: “Đừng để bóng tối nói với con!” Bóng tối là lời ám chỉ của sự nghi ngờ. Nhưng sự nghi ngờ đó không làm lung lay điều hiển nhiên mà thầy cảm nhận được nơi tình yêu Thiên Chúa. Có lẽ chính sự ngờ vực này đã đòi hỏi một thứ ngôn ngữ không hề mơ hồ. Điều hiển nhiên mà tôi đang nói đến không được tìm thấy ở mức độ của trí tuệ, mà sâu sắc hơn, ở mức độ của tâm hồn. Giống như những thứ không thể được bảo vệ bằng lý luận mạnh mẽ hay bằng những điều chắc chắn, điều hiển nhiên ấy nhất thiết sẽ bị phơi bày và dễ vỡ.

Trong Tin Mừng, sự đơn sơ của Chúa Giêsu gây nhiều lo ngại. Một số người lắng nghe Người cảm thấy như mình đang bị chất vấn. Như thể những suy nghĩ sâu kín nhất trong tâm hồn họ bị phơi bày. Ngôn ngữ rành mạch và khả năng thấu tỏ tâm hồn của Chúa Giêsu biểu thị mối đe dọa đối với họ. Một người không để mình bị nhốt trong những xung đột, mà chúng ta thường nuôi dưỡng bên trong, sẽ có vẻ nguy hiểm đối với một số người khác. Người như vậy rất thu hút, nhưng sự thu hút đó có thể dễ dàng biến thành sự chống đối.

Thầy Roger chắc chắn đã thu hút mọi người bởi sự hồn nhiên, cách đánh giá tình huống nhanh chóng và ánh nhìn của thầy. Tôi nghĩ thầy đã nhìn thấy, trong mắt một số người, sự thu hút đó có thể chuyển thành ngờ vực hay công kích. Đối với những người mang trong mình các mâu thuẫn không thể giải thích được, sự hồn nhiên đó chắc hẳn đã làm họ không thể chịu nổi. Trong trường hợp đó, chỉ sỉ nhục hay gạt qua sự hồn nhiên đó thì chưa đủ. Nhưng phải loại bỏ nó đi. Bác sĩ Bernard de Senarclens đã viết về người đã kết liễu cuộc đời của Thầy Roger như thế này: “Nếu ánh sáng quá chói lóa và tôi nghĩ rằng những gì chiếu tỏa từ Thầy Roger đã có thể rất lộng lẫy, điều đó không phải lúc nào cũng dễ chịu. Khi đó, giải pháp duy nhất là dập tắt nguồn ánh sáng bằng cách loại bỏ nó.”

Tôi muốn viết ra những suy tư này vì chúng giúp làm nổi bật một khía cạnh nhất quán trong đời sống của Thầy Roger. Cái chết của thầy đã là một minh chứng huyền bí về con người thầy vẫn luôn là. Thầy không bị sát hại vì lý tưởng thầy đang bảo vệ. Thầy bị sát hại vì chính bản thân thầy.

Thầy François, Cộng đoàn Taizé

Cập nhật ngày: 24, Tháng Tám 2006