TAIZÉ

Tầm nhìn của Thầy Roger về sự hiệp nhất các Kitô hữu

 

Trong nhiều dịp khác nhau, Thầy Roger đã cố gắng diễn đạt tầm nhìn của mình về sự hiệp nhất Kitô hữu. Trong Lời kêu gọi hòa giải giữa những Kitô hữu, Thầy Alois đã trích dẫn những lời này của vị sáng lập Taizé:

Ấn tượng bởi chứng từ cuộc đời của bà, khi còn khá trẻ, tôi đã tìm thấy căn tính Kitô hữu của mình bằng hòa giải trong chính mình, hòa giải đức tin gốc của mình với mầu nhiệm đức tin Công Giáo, mà không cắt đứt tình thân hữu với bất kỳ ai.

Hành trình cá nhân của Thầy Roger bắt đầu bằng một sự hòa giải nội tâm. Chúa Giêsu đã công bố và diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi con người mà không có ngoại lệ bằng cuộc sống của Người. Biết rằng Chúa Giêsu đã giao phó cho cộng đoàn các môn đệ của Người sứ mệnh làm chứng cho tình yêu này, và rằng qua nhiều thế kỷ, cộng đoàn này đã chia thành nhiều mảnh vỡ thờ ơ hoặc thù địch với nhau, Roger đã tự hỏi mình, khi còn trẻ, điều gì có thể làm để làm cho nó phù hợp với thông điệp của nó. Thầy biết rằng tự bản thân không ai có thể giải quyết được mọi vấn đề, thần học và các vấn đề khác, đã chia rẽ Thân thể Chúa Kitô, tức Giáo hội. Đồng thời, khi đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải truyền rao Tin Mừng, việc vẫn thụ động không phải là một lựa chọn đối với thầy. Kết luận của thầy: chúng ta hãy bắt đầu từ chính mình và mở rộng tầm nhìn của mình về Giáo hội bằng cách mở lòng mình ra với những món quà đức tin, hy vọng và lòng bác ái mà những Kitô hữu thuộc các truyền thống khác đang sống.

Lựa chọn của Thầy Roger ngụ ý một tầm nhìn về Giáo hội hoàn toàn khác với tầm nhìn mà mọi người thường có. Chúng ta có xu hướng tưởng tượng bối cảnh Kitô giáo được tạo thành từ các lời tuyên tín hoặc giáo phái khác nhau tồn tại cạnh nhau, mỗi bên đều tuyên bố mình là người thừa kế thực sự của Chúa Kitô. Nhưng tầm nhìn con người này là lừa dối. Nhìn bằng con mắt của Chúa, Giáo hội chỉ có thể là một. Đó không phải là thực tế của sự cạnh tranh mà là của sự hiệp thông. Tất cả những ai sống trong sự hiệp thông với Chúa qua Chúa Kitô đều được dẫn dắt bởi điều này để sống trong sự hiệp thông với nhau, Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Gioan 13,35).

Vì vậy, thay vì quan niệm Giáo hội là một tập hợp nhiều cộng đồng không có mối quan hệ nào với nhau, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận để xem Giáo hội như một thực thể duy nhất đang trong quá trình xây dựng (xem Êphêxô 4,15-16). Nếu mỗi bộ phận của dân Kitô giáo đã phát triển tốt hơn một số khía cạnh của Mầu nhiệm đức tin, liệu chúng ta có thể tiến tới sự hiệp nhất hữu hình mà không chú ý đến những ân huệ của các gia đình thiêng liêng khác không? Trong Lời kêu gọi hòa giải, Thầy Alois chỉ ra một số ân huệ này đã được các Giáo hội lịch sử sống trong suốt nhiều thế kỷ. Bằng cách cố gắng khám phá và đào sâu chúng, chúng ta chuẩn bị một cuộc hội ngộ sẽ giúp Giáo hội minh bạch hơn với Phúc Âm mà Giáo hội phải truyền rao.

Sinh ra trong một gia đình Tin Lành, Thầy Roger đã được dẫn dắt để quay trở lại quá khứ sau những chia rẽ của thế kỷ XVI và khám phá lại Truyền thống Công Giáo vĩ đại. Ngay từ rất sớm, thầy cũng đã chú ý đến kho tàng đức tin của Giáo hội Đông Phương. Khi làm như vậy, thầy không bao giờ muốn phá vỡ mối quan hệ với bất kỳ ai hoặc trở thành biểu tượng của sự chối bỏ đối với những người truyền đạt đức tin cho thầy. Bất kỳ ý tưởng nào về "sự cải đạo", sự thay đổi từ giáo phái này sang giáo phái khác, đều hoàn toàn xa lạ với thầy. Thầy luôn bị cuốn hút bởi những lời của Chúa Giêsu "Ta đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn" (Mátthêô 5,17) và thầy cố gắng mong đợi sự hoàn thiện trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cuộc sống của cộng đoàn mà thầy thành lập.

Tất nhiên, sự hòa giải bắt nguồn từ trái tim này không được duy trì như một thực tế bên trong. Nếu Giáo hội của Chúa Kitô không khôi phục lại sự hiệp nhất hữu hình của mình, thì làm sao Giáo hội có thể mở ra con đường hòa bình cho một thế giới luôn phải đối mặt với xung đột và chia rẽ? Về phần mình, Thầy Roger tin rằng sự hiệp nhất này không chỉ đơn thuần là kết quả của các thỏa thuận thần học hay ngoại giao. Trước hết, nó bắt nguồn từ lời cầu nguyện. Trong Lời kêu gọi hòa giải, Thầy Alois mời tất cả các Kitô hữu tham dự “đêm canh thức hòa giải” được tổ chức một hoặc ba tháng một lần. Thầy làm như vậy để nhấn mạnh đến sự thật rằng Chúa Kitô là Đấng hiệp nhất chúng ta bằng cách kêu gọi chúng ta bước vào sự hiệp thông giữa Người và Cha Người trong Chúa Thánh Thần (xem 1 Gioan 1,3; Gioan 14,23). Chỉ có sự hiệp thông như vậy mới có thể mang đến cho thế giới đang bị chia rẽ lời hứa về một sự hòa giải lâu dài.

Cập nhật ngày: 19, Tháng Tám 2008