TAIZÉ

Thầy Alois

2023 Đời sống nội tâm và Tình liên đới

 

Chúng ta có thể thấy được nguồn gốc của tình huynh đệ phổ quát ở đâu, ở giữa gia đình nhân loại và ở toàn thể tạo vật? Những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này đã hình thành theo thời gian trong các truyền thống tâm linh của các dân tộc trên trái đất.

Đối với các Kitô hữu, đã đến lúc phải hiểu biết sâu sắc hơn về đức tin của mình. Không phải để đề cao bản thân hay tuyên bố rằng họ có câu trả lời cho mọi điều, mà để tham gia hiệu quả hơn vào cuộc tìm kiếm chung cùng với những người không chỉ muốn khuất phục số phận mình mà chọn làm việc với những vấn đề lớn ngày nay. Thông điệp cho năm 2023 này tìm cách xác định các hướng hành động để giúp đổi mới đời sống Kitô hữu trong thời đại chúng ta.

“Cầu nguyện và hành động chính trực.” Đây là trực giác của mục sư Dietrich Bonhoeffer (người Đức) trong những năm khủng khiếp của Thế chiến Thứ Hai. [1]. Khi ở trong tù, ông đã chiêm niệm về những khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Giữa bi kịch của cuộc chiến, ông đã đứng lên. Trong bóng tối của thời đại, ông thấy rõ rằng:

Kitô hữu chúng ta ngày nay sẽ bị giới hạn trong hai điều: cầu nguyện và hành động chính trực giữa nhân loại. Mọi suy nghĩ, lời nói và thiết lập của Kitô hữu phải được tái sinh từ lời cầu nguyện và hành động này. [2]

Làm thế nào để chúng ta có thể chuyển đổi trực giác này cho thời nay? Mỗi người có thể đưa ra câu trả lời cho riêng mình. Tại Taizé, chúng tôi nghĩ rằng: đó là bằng cách đào sâu đời sống nội tâm và tình liên đới của chúng ta với người khác, hay nói cách khác, bằng cách nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và mở rộng tình bằng hữu của chúng ta.

Lời chứng thực của mục sư Dietrich Bonhoeffer có thể giúp chúng ta khám phá ra những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống mình. Ông ý thức rất rõ về sự dữ tuyệt đối đang hoành hành trong thời đại của mình, tuy nhiên một động lực bên trong đã giúp ông, cũng như nhiều người khác trong quá khứ và hiện tại, đó là lựa chọn hy vọng và tín thác vào Thiên Chúa trong những tình huống cực kỳ bạo lực, mà không khiến nhân loại tuyệt vọng.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khi đến lượt mình, chúng ta có thể chọn lựa tín thác. Giữa thế gian này, chúng ta được tự do nhận thức ánh sáng đến từ nơi khác. Ngay cả khi chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn, ngay cả khi Thiên Chúa dường như không đáp lời kêu cầu của chúng ta, thì ánh sáng đó đã mọc lên như sao mai trong tâm hồn chúng ta (2 Phêrô 1, 19).

Thầy Alois


Lựa chọn tín thác

Ngày nay, khi thế hệ trẻ —và cả những người khác— bị đè nặng bởi những gánh nặng, điều gì có thể thay đổi cách nhìn và đánh thức sự sáng tạo của chúng ta? Chắc chắn có nhiều lý do để cảm thấy lo lắng tột cùng, những hoàn cảnh có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tầm nhìn của chúng ta về thế giới và cách chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Một số người thậm chí còn đặt nghi vấn về Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài trong thế giới.

Lo lắng là một phản ứng dễ hiểu. Điều đó có thể hữu ích để trở nên sáng suốt và không ngây thơ khi giúp chúng ta nhìn thấy và hiểu được những mối nguy hiểm đang đe dọa chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn trọng, không nhượng bộ thuyết định mệnh, hoài nghi hoặc sợ hãi, là những thứ có nguy cơ khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy tiêu cực.

Để tránh đi vào ngõ cụt như vậy, Tin Mừng định hướng chúng ta bằng cách hướng về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đi trước chúng ta. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã trải qua niềm vui và cả sự lo lắng. Người phải chịu sự hận thù ngày càng tăng, cuối cùng dẫn đến bạo lực cực độ của thập tự giá. Nhưng cái chết không hề có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Thiên Chúa đã cho Người sống lại và sống muôn đời. Đó là điều đáng ngạc nhiên về Tin Mừng. Những nhân chứng đầu tiên của Tin Mừng mời gọi chúng ta mạo hiểm tin tưởng vào thông điệp này.

Chúa Kitô vẫn tiếp tục đồng hành với mỗi con người ngày nay, để thông ban cho mọi người tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Qua Chúa Thánh Thần, hơi thở của Thiên Chúa, Người giúp chúng ta đứng vững, ban cho mỗi người một phẩm giá cơ bản.

Chúng ta đừng chỉ được hướng dẫn bởi những gì đến với chúng ta từ bên ngoài, mà còn hãy đón nhận ánh sáng từ bên trong, niềm tín thác mang tên đức tin.


Tìm kiếm sự đổi mới trong cầu nguyện

Để nhìn cuộc sống của chúng ta, những người khác và thế giới theo một cách mới, cần có một bước đệm cá nhân. Điều này diễn ra trong sâu thẳm con người chúng ta, khi chúng ta chào đón sự hiện diện nhân từ của Thiên Chúa trong cuộc sống mình. Nó liên quan đến một sự đổi hướng từ bên trong, mà Tin Mừng gọi là sự hoán cải. Và dẫn chúng ta đến việc đón nhận sự an ủi của Thiên Chúa và yêu thương ngày càng nhiều hơn.

Chúng ta đều có thể tìm kiếm thời gian và những địa điểm để tìm thấy sự thinh lặng nội tâm, để mở ra một không gian lắng nghe và khám phá sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã mời các môn đệ của Người làm điều này: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.” (Matthêô 6, 6)

Ngày nay, lời mời gọi này dường như đi ngược dòng. Chúng ta đang trải qua thời kỳ mà mọi thứ đang trở nên phân cực nhiều hơn và khi sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong xã hội của chúng ta, đôi khi ngay cả trong Giáo hội và gia đình. Trong bối cảnh này, sự ồn ào và dối trá dường như át đi những diễn biến nội tâm thầm lặng đòi hỏi thời gian.

Đó là lý do tại sao cầu nguyện lại càng cần thiết hơn: nó là nguồn hy vọng, là con đường dẫn đến sự thanh thản; nó giúp chúng ta có thể giữ cho cánh cửa đối thoại luôn rộng mở, ngay cả với những người chống đối chúng ta hoặc những người đến từ những chân trời khác chúng ta.


Đồng hành cùng người khác

Ngoài việc cầu nguyện cá nhân, còn có một lời kêu mời khác: đó là đồng hành với người khác, hướng tới tình huynh đệ phổ quát mà chúng ta đang cố gắng nhận ra. Cuộc sống nội tâm không phải là một khát vọng biệt lập; điều này được tiếp diễn trong nỗ lực chung giữa những người đang cùng tìm kiếm.

Chúng ta đã có thể bắt đầu bằng cách giúp cho sự hiệp nhất hữu hình của các Kitô hữu phát triển! Tất nhiên không phải để trở nên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với một thế giới thù địch, nhưng để giải phóng sức năng động của Tin Mừng. Chúng ta không cần phải đợi cho tất cả các vấn đề thần học được hòa hợp để đến cầu nguyện với nhau.

Khi gặp gỡ các Kitô hữu thuộc các giáo hội khác nhau, đôi khi chúng ta nhận thức được những quan điểm dường như không tương thích—và đôi khi trên thực tế có thể như vậy—ít nhất là trên bình diện khái niệm. Thay vì nhấn mạnh chúng, thì chúng ta có thể áp dụng một cách tiếp cận khác: hãy cùng nhau cầu nguyện để bắt đầu lại nhiều lần. Việc thực hành sự hiệp nhất như vậy sẽ cho phép dân Chúa hướng đến một lời tuyên xưng đức tin chung.

Có lẽ, điều này cũng sẽ giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về Giáo hội: liệu chúng ta có thể ngày càng coi Giáo hội như một đại gia đình của những người chọn yêu thương theo bước chân của Chúa Kitô? Để trở thành men hòa bình, đã đến lúc chúng ta phải ngừng nuôi dưỡng sự chia rẽ, ngừng đi trên những con đường song song không bao giờ gặp nhau!

Việc tìm kiếm sự hiệp nhất hữu hình này phải đi đôi với việc thừa nhận sự dữ đôi khi đã được thực hiện trong các Giáo hội của chúng ta và cam kết chắc chắn thực hiện những thay đổi cần thiết. Nhiều người đã thấy niềm tin của họ tan vỡ. Tại Taizé cũng vậy, lòng tin của một số người đã bị phản bội; chúng tôi nhận thức rõ về điều này. Lòng tin là một thực tế mong manh thường cần được làm mới và xây dựng lại, và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách lắng nghe những người đã bị tổn thương. [3]


Mở rộng tình bạn của chúng ta

Để góp phần kiến tạo một gia đình toàn cầu, Giáo hội được mời gọi để trở thành dấu chỉ Nước Thiên Chúa sắp đến và khám phá ra những gì Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta làm ngày hôm nay. Dưới đây là một trong những lời kêu gọi đó, để cùng lắng đọng với tha nhân.

- Ngày nay, đối với nhiều người, cảm giác thân thuộc đang trở nên cần thiết hơn để tạo nên bản sắc của họ. Tuy nhiên, sự thuộc về này không thể phát triển trong sự chống đối và xung đột với người khác, mà qua sự tôn trọng và gặp gỡ. Thật vậy, chúng ta hãy tìm kiếm một phần sự thật có trong người kia—điều đó sẽ giúp chúng ta phát triển.

- Một nơi tôn trọng lẫn nhau có thể là cuộc đối thoại giữa các tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Trong cuộc đối thoại này, sự cởi mở với người khác khả dĩ khi chính chúng ta bắt nguồn từ truyền thống tôn giáo của chính mình, giống như một cái cây cần có rễ sâu để phát triển các nhánh rộng mở. Một tình bạn đích thực là khả dĩ, ngay cả khi nó có cả những đau khổ do bởi những người khác không thể cùng chia sẻ niềm tin sâu sắc nhất với chúng ta.

- Nhiều người ngày nay đau đớn nhận ra rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tất cả các hình thức phân biệt đối xử ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đối với các mối quan hệ giữa những cá nhân và nhiều xã hội trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm tất cả những gì có thể giúp mình thay đổi cách nhìn về người khác, chẳng hạn bằng cách lắng nghe những người đã rời bỏ quê hương của họ. Chúng ta hãy chấp nhận một phần khác biệt để mỗi cuộc gặp gỡ trở thành một báu vật.

- Chúng ta đã chú ý lưu tâm đến tiếng kêu của trái đất chưa? Những thảm họa môi trường và thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng nhắc nhở chúng ta những hoạt động của con người và sự cẩu thả của chúng ta đã hủy hoại hành tinh kỳ diệu này. Điều khẩn cấp là nhắc lại trách nhiệm mà Thiên Chúa đã trao phó cho loài người. Các quyết định chính trị và kinh tế là cần thiết, nhưng mỗi chúng ta đã có thể đơn giản hóa cách sống của mình và đổi mới cảm thức ngạc nhiên trước vẻ đẹp của tạo hóa.

- Trong bối cảnh chiến tranh đang tàn phá Ukraine và nhiều nơi khác trên thế giới, một số người cảm thấy rất khó cầu nguyện, như thể Thiên Chúa vắng mặt hoặc im lặng trước sự dữ. Tuy nhiên, việc cầu nguyện cho hòa bình đánh thức tinh thần trách nhiệm và tình liên đới của chúng ta với tất cả những ai đang phải chịu đựng quá nhiều đau khổ vì thảm kịch chiến tranh. Vấn đề không phải là đòi hỏi một nền hòa bình dễ dãi nhường phần thắng cho kẻ xâm lược, mà là một nền hòa bình đích thực và chính đáng, để có thể tồn tại lâu dài, phải bao gồm công lý và sự thật. Thật vậy, cầu nguyện cho hòa bình hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết.


Đối với những người có niềm tin, sự tín thác nơi Thiên Chúa có thể cho chúng ta một niềm hy vọng mạnh mẽ hơn là sợ hãi về tương lai. Không phải là một sự tin tưởng ngây thơ mà là niềm tin vững chắc, bắt nguồn từ trái tim của chúng ta, rằng Thiên Chúa đang thực hiện công trình tạo dựng và kêu mời chúng ta cùng chung tay, bằng cách đảm nhận trách nhiệm đối với chính mình... và đối với thế hệ tiếp theo.

Khi hòa bình dường như là một lý tưởng không thể đạt được và bạo lực đang chia cắt gia đình các quốc gia, khi đủ thứ nguy hiểm làm chúng ta bối rối, chúng ta hãy tự nhắc nhở mình: trong một đời sống nội tâm có thể rất nghèo nàn, bằng tình liên đới với người lân cận và tình bạn ngày càng rộng lớn hơn, Chúa Kitô Phục Sinh đến gặp chúng ta. Chúa Kitô thay đổi cách nhìn của chúng ta, dẫn chúng ta vào một thế giới rộng lớn hơn và mời gọi chúng ta thực hiện những bước tiến bất ngờ. Vậy chúng ta sẽ chào đón Ngài chứ?

Cập nhật ngày: 27, Tháng Mười Hai 2022

Chú thích

[1Do hoạt động tích cực trong Giáo hội Tuyên xưng (Confessing Church) và trong cuộc kháng chiến chống lại Hitler, mục sư Dietrich Bonhoeffer (1906-1945) bị cầm tù năm 1943 và bị xử tử năm 1945. Các bài viết của ông, đặc biệt là những bức thư và suy tư viết trong tù, có ảnh hưởng lớn sau chiến tranh và cho đến tận ngày nay.

[2“Những suy tư về Ngày Rửa tội của D.W.R. Bethge” (tháng 5 năm 1944), trong Những lá thư và giấy tờ từ nhà tù, tr. 300.

[3Về chủ đề này, hãy xem thông điệp “Trong Giáo hội và tại Taizé, công việc xác minh sự thật phải được tiếp tục” của Thầy Alois được công bố nhân dịp cuộc Gặp mặt Châu Âu tại Rostock tại www.taize.fr/protection.

File PDF

PDF - 621.4 kb

Tiếng Việt

Tiếng Trung phồn thể

Tiếng Trung giản thể

Tiếng Nhật

PDF - 1.1 Mb

Tiếng Anh

PDF - 1.2 Mb

Tiếng Pháp

Tiếng Ý

Tiếng Bồ Đào Nha