TAIZÉ

Trò chuyện cùng Thầy Alois

Một điều chưa từng xảy ra

 
Bên dưới là bài viết đã được đăng trên tờ báo “Le Monde” vào ngày 6 tháng Chín năm 2006, Thầy Alois đã trả lời một vài câu hỏi do tờ báo “La Croix” đặt ra.

La Croix: Thầy Roger có chính thức cải đạo qua Công giáo, như nhà sử gia Yves Chiron đã từng khẳng định không?

Thầy Alois: Không. Thầy Roger chưa bao giờ “cải đạo” qua Giáo hội Công giáo một cách chính thức. Nếu thầy trở lại, thầy sẽ nói như vậy, vì thầy không bao giờ che giấu bất cứ điều gì về con đường mà thầy đang theo. Tất cả những cuốn sách của thầy, thường được viết theo hình thức nhật ký, thầy đã giải thích bằng những gì thầy đã đi qua những gì mà thầy đang khám phá và đang sống.

Điều gì đã thực sự xảy ra vào năm 1972, tại nhà nguyện của Toà Giám mục ở Autun, Pháp?

- Năm 1972, Đức cha Armand Le Bourgeois, Giám mục của Autun, đã trao Mình Thánh Chúa cho thầy Roger lần đầu tiên, mà không cần tuyên xưng đức tin, ngoại trừ kinh Tin Kính được đọc trong thánh lễ cùng các Kitô hữu khác. Đã có một vài người chứng kiến, bao gồm ba anh em chúng tôi, và một cặp vợ chồng là bạn của chúng tôi, họ có thể chứng thực về điều này.

Tại sao lại vào đúng thời điểm đó?

- Chọn ngày đó, bởi vì Thầy Roger đang chuẩn bị nhận lời khấn trọn của một thầy người Công giáo đầu tiên trong cộng đoàn. Và không thể không rước lễ trong cùng một bàn tiệc Thánh Thể. Vài tháng sau, Đức cha Le Bourgeois đến Taizé và cũng cùng cách thức ấy, ngài đã trao Mình Thánh Chúa cho tất cả các thầy trong cộng đoàn.

Có phải chính Thầy Roger đã làm chứng rõ ràng cho sự tiến triển đó?

- Thầy đã sớm hiểu được cuộc sống của bản thân mình để loan truyền Tin Mừng cho những bạn trẻ về sự hoà giải giữa các Kitô hữu là điều cần thiết. Sau Công đồng Vatican II và Đức Thánh Cha Gioan XXIII, thầy cho rằng đã đến thời điểm cho sự hoà giải. Thầy thường kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng với Đức Thánh Cha Gioan XXIII như thế nào, vào năm 1963, Thầy đã rất háo hức được nghe chia sẻ thiêng liêng từ Đức Giáo hoàng và Thầy đã hỏi ngài về vị trí của Taizé trong Giáo hội. Đức Giáo hoàng trả lời, cùng với cử chỉ bằng tay tạo thành những vòng tròn, rằng: "Giáo hội Công giáo được tạo thành từ những vòng tròn đồng tâm và càng ngày càng lớn dần." Tuy ngài không nói rõ Taizé nằm ở vòng tròn nào nhưng Thầy Roger hiểu Đức Thánh Cha muốn nói với Thầy rằng: Thầy đã ở trong vòng tròn đó rồi, đơn giản hãy tiếp tục đi trên con đường này. Và đó là điều thầy đã làm.

Thầy đã kề cận với Thầy Roger trong nhiều năm; Thầy Roger cũng đã chỉ định thầy là người kế vị của mình; vậy điều gì đã thực sự khó khăn cho Thầy Roger khi đi trên con đường thầy đã theo?

- Con đường mà thầy chọn đã dẫn dắt thầy khám phá ngày càng rõ và đưa ra ánh sáng sự trọn vẹn của truyền thống Giáo hội. Thầy không quan tâm đến một giải pháp hòa giải đơn lẻ, nhưng thông qua nhiều bước thăm dò, thầy đã tìm ra cách để tiếp cận được với những người khác. Có nguồn gốc từ Tin Lành, thầy đã đạt được một điều chưa từng xảy ra từ thời Cải Cách. Vào năm 1980, trong Cuộc Gặp Mặt Châu Âu của giới trẻ tại Roma, thầy đã bày tỏ công khai điều này tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, "Tôi đã tìm thấy căn tính của mình là một Kitô hữu bằng việc hòa giải trong chính bản thân tôi đức tin gốc rễ của mình với mầu nhiệm đức tin Công giáo, mà không phá vỡ tình huynh đệ với bất cứ ai." Vào ngày khác, khi tiếp đón một đoàn Chính Thống giáo, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về sự hiệp thông "không phải là sự sát nhập, cũng không phải là sự hòa trộn, nhưng đó là một cuộc gặp gỡ trong sự thật và trong tình yêu".

Tại sao lại có quá nhiều thận trọng quanh việc Thầy Roger muốn trở thành một chứng tá?

- Vì cách tiếp cận của thầy là cấp tiến và hoàn toàn mới, rất khó để diễn đạt và để hiểu. Và rất dễ sai khi giải thích nó. Do đó, khi nói về việc "cải đạo" thì không phải để hiểu bản chất của những điều Thầy Roger đang tìm kiếm. Từ "cải đạo" mang ý nghĩa nặng nề trong lịch sử; "cải đạo" mang ẩn ý phá vỡ đi căn tính của bạn. Thầy Roger đã chấp nhận sự cải đạo của một số cá nhân có lẽ là một hướng đi, nhưng đối với bản thân thầy và cộng đoàn thì thầy muốn nói về sự hiệp thông hơn. Đối với thầy, việc bước dần vào sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo đã được bày tỏ cụ thể ở hai điểm mà thầy chưa bao giờ giữ kín cả: lãnh nhận bí tích Thánh Thể và nhận ra sự cần thiết của mục vụ hiệp nhất do Đức Giám mục thành Rôma thực hiện.

Ngay cả khi cái giá là vẫn bị hiểu lầm sao?

- Mục đích của Thầy Roger vẫn chưa được mọi người hiểu, nhưng vẫn được nhiều người đón nhận; như những người đã đến Taizé để cử hành thánh lễ như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, như các Giám mục Công giáo và các nhà thần học, và cũng như các nhà lãnh đạo của các hệ phái Tin Lành và Giáo hội Chính Thống mà Thầy Roger đã kiên nhẫn xây dựng sự tin tưởng trong suốt niều năm.

Bài phỏng vấn của Jean-Marie GUENOIS

Cập nhật ngày: 24, Tháng Sáu 2020